Bảo hiểm khi cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền của ngân hàng khác

(PLO) - 1. Hỏi: Người gửi tiền tại ngân hàng A có tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), sau đó dùng thẻ tiết kiệm tại ngân hàng A cầm cố tại ngân hàng B. Khi ngân hàng A mất khả năng chi trả hoặc phá sản thì người gửi tiền nói trên có được chi trả tiền bảo hiểm không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáp: Theo quy định tại Điều 25 Luật BHTG và Điều 7 Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 807/QĐ-BHTG ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN):

Người gửi tiền nói trên được chi trả tiền bảo hiểm khi có đủ các điều kiện:

- Có tên trong danh sách người được BHTG tại ngân hàng A và số tiền bảo hiểm đã được BHTGVN phê duyệt.

- Xuất trình đủ các giấy tờ xác định về nhân thân và quyền sở hữu của mình đối với các khoản tiền gửi tại ngân hàng đó.

Khi đó, số tiền gửi được bảo hiểm được xác định theo quy định hiện hành của pháp luật về BHTG và không phải khấu trừ khoản nợ gốc và lãi của họ tại ngân hàng khác.

2. Hỏi: Người gửi tiền đồng thời có khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường và tài khoản tiết kiệm trực tuyến tại cùng một tổ chức tham gia BHTG, khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả hoặc phá sản thì số tiền bảo hiểm được trả tính như thế nào?

Đáp: Tiền gửi thuộc đối tượng được BHTG không phân biệt hình thức gửi tiền trực tuyến hay gửi tiền trực tiếp đều được bảo hiểm như nhau. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG (không phân biệt hình thức gửi tiền) tối đa là 75 triệu đồng. 

3. Hỏi: Khi hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG hợp nhất, sáp nhập hoặc chia tách thì tiền gửi của người được BHTG tại các tổ chức này có thay đổi như thế nào?

Đáp: Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG hợp nhất: tiền gửi của người được BHTG vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG là tổ chức mới được hình thành sau hợp nhất. 

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG (tổ chức bị sáp nhập) sáp nhập vào một tổ chức tham gia BHTG khác (tổ chức nhận sáp nhập): tiền gửi của người được BHTG tại tổ chức bị sáp nhập vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức nhận sáp nhập.

Khi tổ chức tham gia BHTG chia, tách thành các pháp nhân độc lập: tiền gửi được bảo hiểm của khách hàng tại tổ chức tham gia BHTG bị chia, tách sẽ được các pháp nhân mới hình thành sau chia, tách tiếp nhận và tham gia BHTG với tư cách độc lập. 

Đọc thêm