Có nên công khai kế hoạch khắc phục sự cố tràn dầu để cộng đồng giám sát thực hiện?

(PLO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển. Các chuyên gia từ doanh nghiệp, hiệp hội đã đề nghị bổ sung quy định về việc công khai các kế hoạch khắc phục sự cố môi trường để cộng đồng có thể thực hiện giám sát thực hiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều 16 của Dự thảo quy định về thẩm định, phê duyệt kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu. Theo đó, về phương thức thực hiện thủ tục, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu phải “nộp hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt”. “Quy định này đang chưa rõ về phương thức nộp: nộp trực tiếp và/hoặc nộp qua phương thức điện tử?” – văn bản góp ý của VCCI gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt câu hỏi. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về phương thức nộp hồ sơ: có thể nộp trực tiếp, thông qua đường bưu điện hoặc theo phương thức điện tử.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Dự thảo thì thời gian thẩm định hồ sơ được tính từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định khoảng thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận hồ sơ, xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho các chủ thể nộp hồ sơ phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần và không xác định được chính xác thời điểm được xem là hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Nội dung này cần được quy định rõ để đảm bảo tính minh bạch.

Về Hội đồng thẩm định, theo quy định tại Điều 16 Dự thảo, sau khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch khắc phục môi trường, nhưng lại không quy định rõ về thành phần của Hội đồng này (gồm bao nhiêu người, thành phần gồm những ai, đến từ đâu, trách nhiệm thẩm định như thế nào, …). Hội đồng này có tính quyết định đến chất lượng của Kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường nói riêng và tính hiệu quả của hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, vì vậy thành phần Hội đồng cần được quy định cụ thể.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng lưu ý quy định toàn diện, rõ ràng cho giai đoạn phê duyệt hồ sơ. Cụ thể, khoản 6 Điều 16 Dự thảo quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch khắc phục theo thông báo kết quả của Hội đồng thẩm định và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt”. Dự thảo đang quy định cho trường hợp kế hoạch phải chỉnh sửa, hoàn thiện nhưng lại chưa quy định để xử lý cho trường hợp hồ sơ sau khi thẩm định không cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện.

Khoản 6 Điều 16 Dự thảo cũng không quy định về thời hạn mà chủ thể nộp hồ sơ phải hoàn thiện và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể khiến cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường bị trì hoãn nếu hồ sơ phê duyệt bị chậm hoàn thiện và nộp cho cơ quan có thẩm quyền. 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Dự thảo quy định thời hạn phê duyệt là 15 ngày làm việc. Đây là thời hạn khá dài (bằng thời gian thẩm định hồ sơ), nhất là khi hồ sơ đã trải qua thẩm định. Vì thế, có thể cân nhắc, rút ngắn thời gian phê duyệt so với quy định tại Dự thảo.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng lưu ý, sự cố môi trường có tác động lớn đến lợi ích công cộng, vì vậy cần thiết phải có sự giám sát của cộng đồng trong việc nhận diện mức độ ô nhiễm, công tác khắc phục cũng như kết quả khắc phục. Để cộng đồng có thể thực hiện được điều này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai các kế hoạch khắc phục sự cố môi trường, kết quả đánh giá việc thực hiện kế hoạch khắc phục sự cố môi trường.

Đọc thêm