Đề cao tính tự giác trong thi hành pháp luật dân sự

(PLO) - Pháp luật dân sự (PLDS) là pháp luật quy định về cách hành xử của con người trong các mối quan hệ tư nên việc thi hành PLDS chủ yếu dựa trên ý thức tự giác, tinh thần tự nguyện của các chủ thể tham gia các quan hệ đó. Do vậy, để PLDS được thực hiện thì vai trò của các cá nhân, tổ chức là yếu tố quyết định, còn các cơ quan công quyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho việc hình thành các quan hệ dân sự.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của con người có vai trò rất quan trọng, quyết định cách xử sự của họ trong các quan hệ xã hội mà họ tham gia. Ở đâu con người hiểu biết pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật thì ở đó pháp luật được thực hiện tốt. Trong điều kiện như vậy, Nhà nước sẽ ít phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính, hình sự để buộc người dân thực hiện đúng pháp luật.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng để ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành và chú trọng xây dựng, hoàn thiện từng bước các tổ chức sự nghiệp công để thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi họ thực hiện các quyền dân sự của mình.

Đặc biệt, Nhà nước đã kiên quyết và liên tục cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng về thủ tục và tiền bạc, giúp tổ chức, cá nhân thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng các thủ tục hành chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền dân sự của mình. Ví dụ như trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, nhiều thủ tục hành chính về gia nhập thị trường đã được đơn giản hóa, hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN đã được xây dựng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới Chính phủ điện tử và một nền dịch vụ hành chính công hiện đại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống đăng ký DN qua mạng điện tử. Nhờ đó, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập DN, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh.

Tuy nhiên, các vi phạm khi thi hành PLDS vẫn còn phổ biến. Như trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, số lượng vụ việc tranh chấp những năm gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng vi phạm quyền dân sự, đặc biệt là các quyền về nhân thân cũng xảy ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng như đối với những cá nhân có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Quyền sở hữu, các quyền tài sản khác của tổ chức, cá nhân cũng bị xâm phạm một cách phổ biến như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp nhiều bản cho cùng một người là chủ DN tư nhân; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp một cách không chính xác; lập hồ sơ giả để bán nhà đất thuộc quyền sở hữu của người khác…

Do vậy, để góp phần giảm thiểu các vi phạm trên đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân sự, cần nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật để người dân nắm bắt và thực hiện đúng các quy định. Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thiết chế nhà nước và phương thức hoạt động của các cơ quan có liên quan đến hoạt động dân sự của người dân như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký tài sản, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan hộ tịch, tổ chức công chứng…

Các cơ quan trong hoạt động thực thi công vụ cần tăng cường sự phối hợp đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế hoạt động của các cơ quan tài phán, nhất là cơ quan tài phán phi nhà nước như các Trung tâm trọng tài thương mại. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, cần phân biệt rạch ròi giữa nguyên nhân vi phạm pháp luật và điều kiện vi phạm pháp luật để có các giải pháp khắc phục tương ứng, có hiệu quả. 

Đọc thêm