Giao xe máy cho người không có giấy phép lái xe điều khiển gây tai nạn: Bị xử lý thế nào?

(PLVN) - Cha mẹ giao xe cho con chưa có giấy phép lái xe để tham gia giao thông gây tai nạn thì có thể bị phạt tù và chịu trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp: (1) Làm chết người; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; (4) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (khoản 1). 

Khoản 2, khoản 3 Điều 264 có hình phạt tương ứng với mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn, từ 06 tháng đến 07 năm tù. Ngoài ra, khoản 4 quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. 

Đây là hành vi của chủ sở hữu hoặc của người quản lý phương tiện giao thông đường bộ giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia… Ví dụ, cha, mẹ, anh, chị trong gia đình biết rõ con, em mình dưới 18 tuổi (không có giấy phép lái xe) nhưng vẫn giao, cho mượn xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi điều khiển tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn làm chết người, gây tổn thương cơ thể từ 61% trở lên… thì người giao, cho mượn xe bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ cho rằng, người giao, cho mượn xe không biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là những người: Không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển; không bảo đảm độ tuổi, sức khoẻ; người tập lái xe thực hành trên xe không phải xe tập lái và không có giáo viên bảo trợ tay lái; người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ, không có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng cấp; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở và chất ma túy.

Người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ còn được Điều 5 Chương 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 quy định là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ tùy theo từng trường hợp, có thể còn phải chịu trách nhiệm dân sự về toàn bộ hoặc một phần thiệt hại cho người bị tai nạn, cũng như khắc phục thiệt hại về tài sản. Ví dụ, cha, mẹ giao xe Honda Dream 100 cho con (17 tuổi), hàng ngày sử dụng làm phương tiện đi học. Khi gây tai nạn thì người con phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015).  

Đọc thêm