Hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép: Có xử lý hình sự hay không?

(PLO) - Góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp (DN) được lấy ý kiến đều không đồng tình với việc bổ sung điểm i khoản 1 Điều 206 xử lý hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong văn bản gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội góp ý vào dự thảo BLHS sửa đổi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi lấy ý kiến của các DN, hiệp hội liên quan trong lĩnh vực trung gian thanh toán qua thư điện tử cho hay, các DN không đồng tình với việc bổ sung điểm i khoản 1 Điều 206 xử lý hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép.

Lý do mà các DN đưa ra là, việc lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện các hành vi phạm tội khác đã được quy định tại các tội danh khác. Ví dụ, hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để chiếm đoạt tài sản đã được quy định tại Điều 290 - Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để trốn thuế đã được quy định tại Điều 200 – Tội trốn thuế; hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để rửa tiền đã được quy định tại Điều 324 – Tội rửa tiền. Như vậy, nếu hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép nhằm để thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội như chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, rửa tiền… thì đều đã có quy định khác của BLHS xử lý. 

Hơn nữa, đối với hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép mà không nhằm thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, rửa tiền… thì chỉ đơn thuần là việc người cung cấp dịch vụ chưa làm thủ tục hành chính để xin phép hoặc điều chỉnh giấy phép. Việc chưa làm một thủ tục hành chính (mà không nhằm mục đích gây hại và cũng chưa gây thiệt hại thực tế) thì chỉ nên dừng lại ở mức xử lý hành chính. Biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi này đã được quy định tại Điều 27 của Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, với mức phạt từ 40-60 triệu đồng và  buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ ba, việc cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán luôn phải gắn liền với hệ thống ngân hàng. Các nghiệp vụ trung gian thanh toán luôn được chính các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Khoản 1 Điều 15 của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã có quy định: “Các ngân hàng chỉ hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép”. Như vậy, việc ngăn cản hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép đã có biện pháp bảo đảm thực thi rất hiệu quả. Các vấn đề khác có thể phát sinh của hoạt động trung gian thanh toán cũng đã được hệ thống ngân hàng kiểm soát, lưu trữ thông tin tạo điều kiện cho công tác điều tra khi có sai phạm.

Theo các DN, việc cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thường đòi hỏi sáng tạo và thử nghiệm. Các DN thường bắt đầu bằng việc sáng tạo ra một sản phẩm dịch vụ giúp tăng tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Sản phẩm này cần được thử nghiệm về tính năng, độ an toàn và tiện dụng cho người dùng trước khi triển khai rộng rãi trên thực tế. Trong quá trình sáng tạo và thử nghiệm ban đầu, bản thân DN cũng không biết được liệu sản phẩm của mình có bị vứt bỏ chỉ sau một thời gian ngắn. Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép sẽ làm gia tăng đáng kể rủi ro pháp lý đối với các DN trong lĩnh vực này. Điều này sẽ cản trở sáng tạo và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Theo phản ánh của nhiều DN, hiện nay thủ tục cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán còn nhiều phức tạp. Có DN cho biết họ mất đến 5 năm, 7 năm mới xin được giấy phép và nhiều DN khác vẫn đang trong quá trình xin phép dù đã bắt đầu nộp hồ sơ từ nhiều năm trước. Khi hệ thống cấp phép còn nhiều vướng mắc như vậy, mà đã xử lý quá nặng hành vi cung cấp dịch vụ không có phép sẽ khiến các DN không dám đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này. 

Hiện nay dịch vụ trung gian thanh toán đang được khuyến khích do nó có tác dụng làm giảm tiền mặt trong lưu thông. Điều này giúp làm minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính của quốc gia. Khi các giao dịch đều được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử sẽ giúp kiểm soát được doanh thu, thu nhập của tổ chức, cá nhân, từ đó chống thất thu thuế, chống tham nhũng, rửa tiền, đánh bạc, mua bán ma túy, vũ khí, tài trợ khủng bố… Do đó, VCCI và các DN cho rằng, việc trừng phạt quá mức sẽ làm chậm sự phát triển của dịch vụ trung gian thanh toán, từ đó có thể ảnh hưởng đến các lợi ích nêu trên.

Đọc thêm