Mức đóng Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2020-2021

(PLVN) - Theo quy định, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2020-2021 bằng 4,5% mức lương cơ sở là 804.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng 70% - tương đương với số tiền 563.220 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% còn lại - tương đương số tiền 241.380 đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức đóng, phương thức đóng

Cụ thể, BHXH TP Hà Nội cho biết, đối tượng tham gia BHYT HSSV là những HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác (thẻ ưu tiên).

Mức đóng BHYT của HSSV năm học 2020-2021 được thực hiện theo quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể: Số tiền đóng BHYT của HSSV = Mức lương cơ sở x 4,5% x Số tháng tham gia (tại thời điểm đóng tiền). Trong đó: HSSV đóng 70%; ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%. 

Năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở. Do đó, mức lương cơ sở vẫn áp dụng theo quy định của Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng. Theo đó, mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở là 804.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng 70% tương đương số tiền 563.220 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% còn lại tương đương số tiền 241.380 đồng.

Theo đó, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, HSSV hoặc cha, mẹ, người giám hộ của HSSV có trách nhiệm đóng BHYT phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định cho cơ quan BHXH. 

Còn cơ sở GD&ĐT có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng một lần nộp vào quỹ BHYT. Lưu ý, các cơ sở GD&ĐT chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời hạn ghi trên thẻ tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT.

Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT HSSV    

Theo quy định, thời hạn sử dụng thẻ BHYT HSSV được quy định như sau: Đối với trẻ 0-6 tuổi: Được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Đối với học sinh lớp 1: Học sinh đủ 06 tuổi và sinh trước ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 01/10 của năm đó; sinh sau ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 01 của tháng sau tháng sinh nhật.

Đối với học sinh lớp 12: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.

Đối với HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: HSSV năm thứ nhất của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ từ năm lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. HSSV năm cuối của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Mức hưởng khi HSSV tham gia BHYT

Theo quy định, khi HSSV tham gia BHYT sẽ được hưởng những quyền lợi sau: Thứ nhất, HSSV sẽ được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH.

Thứ 2, HSSV được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu vào tháng đầu mỗi quý.

Thứ 3, HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định.

Thứ 4, HSSV được chi trả chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng.

Thứ 5, được cơ quan BHXH tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về BHYT và được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.

Về mức hưởng, BHXH TP Hà Nội cho biết, khi HSSV đi KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT và đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục, HSSV được hưởng 80% chi phí KCB khi thẻ BHYT có mã quyền lợi là 4.

Còn khi HSSV KCB không đúng tuyến (không đúng nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu/không có giấy chuyển tuyến KCB BHYT hoặc Giấy chuyển tuyến KCB BHYT không đúng quy định/không trong tình trạng cấp cứu) được hưởng: ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng 100% chi phí KCB; nội trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng 100%; bệnh viện tuyến tỉnh mức hưởng 60%; bệnh viện tuyến trung ương mức hưởng là 40%.

Đối với trường hợp HSSV khi đi KCB BHYT không xuất trình đầy đủ thủ tục KCB tại nơi KCB ban đầu được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí KCB. Cụ thể, KCB ngoại trú: tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tương đương 223.500 đồng; KCB nội trú: tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tương đương: 745.000 đồng.           

Trong trường hợp HSSV đi KCB tại cơ sở y tế không có hợp đồng KCB BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT như sau: KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng tối đa mức lương cơ sở: 0,15 lần tương đương đương 223.500 đồng. KCB nội trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 0,5 lần, tương đương 745.000 đồng; bệnh viện tuyến tỉnh mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 1,0 lần, tương đương 1.490.000 đồng; bệnh viện tuyến trung ương mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 2,5 lần tương đương 3.725.000 đồng.

Đối với trường hợp cấp cứu, HSSV được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh, trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định. 

Khi đi KCB đúng quy định (cấp cứu hoặc được chuyển tuyến) thì được thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ 01/7/2019 là: 8.940.000đ) (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến).

Theo đó, khi HSSV đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT còn hạn sử dụng cùng với chứng minh nhân thân có ảnh. Đồng thời, xuất trình thêm giấy hẹn nếu thẻ BHYT đang được chờ cấp lại hoặc đổi thẻ; giấy chuyển tuyến KCB…

Đọc thêm