Những trường hợp đặc biệt khi xác định quốc tịch cho trẻ em

(PLVN) - Pháp luật về quốc tịch Việt Nam hiện hành đã có những quy định khá rõ ràng và đầy đủ nhằm đảm bảo quyền có quốc tịch của trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy vẫn còn một số điểm cần lưu ý trong xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em khi thực hiện đăng ký khai sinh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam 

Về nguyên tắc, theo Điều 15 của Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha, mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. 

Quy định này tưởng chừng đã rõ, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế vẫn có cách hiểu chưa thống nhất đối với trường hợp trẻ em có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam nhưng sinh ra ở nước ngoài. 

Có tình trạng này là do chưa hiểu rõ thời điểm trẻ em có quốc tịch Việt Nam (ngay từ khi sinh ra) mà không phụ thuộc vào việc đã đăng ký khai sinh hay chưa và đăng ký ở đâu; hoặc do xung đột pháp luật (là khi Luật Quốc tịch nước này xác định quốc tịch theo nguyên tắc quyền nơi sinh, còn nước kia lại xác định theo nguyên tắc quyền huyết thống)

Cụ thể là trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà quốc gia đó áp dụng nguyên tắc quyền nơi sinh để xác định quốc tịch (ví dụ, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ thì có quốc tịch Hoa Kỳ, không kể cha mẹ của trẻ em mang quốc tịch gì). Đối với trường hợp này phần lớn cha mẹ đều mong muốn trẻ em có quốc tịch nước ngoài (theo nơi sinh, bên cạnh quốc tịch theo huyết thống của mình) nên đã đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch tại cơ quan có thẩm quyền của nước nơi đứa trẻ sinh ra. 

Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp trên đứa trẻ còn có quyền có quốc tịch Việt Nam (theo nguyên tắc quyền huyết thống theo cha mẹ đẻ) nữa hay không? Đồng thời, trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nữa hay không? 

Đối với trường hợp này cần hiểu rằng, trẻ em có quốc tịch Việt Nam ngay từ thời điểm sinh ra, không phụ thuộc vào việc được khai sinh và xác định có quốc tịch nước ngoài hay chưa. Nghĩa là, trong mọi trường hợp trẻ em sinh ra trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam mà có cha mẹ là công dân Việt Nam thì trẻ em có quốc tịch Việt Nam mà không phụ thuộc vào việc trẻ em đã được đăng ký khai sinh và xác định có quốc tịch nước ngoài hay chưa. 

Đối với trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài (kể cả trong trường hợp sinh ra ở trong nước hoặc sinh ra ở nước ngoài)

Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. 

Căn cứ quy định này thì trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì không đương nhiên có quốc tịch Việt Nam, trẻ chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh cha mẹ trẻ có sự thỏa thuận bằng văn bản lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con. Trường hợp trẻ đã có quốc tịch nước ngoài thì không có quyền lựa chọn quốc tịch Việt Nam nữa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, qua thực tiễn, một số trường hợp trẻ em được sinh ra tại nước ngoài (chủ yếu là sinh ra tại Trung Quốc (Đài Loan), Hàn Quốc…), có mẹ là công dân Việt Nam, cha là công dân nước ngoài, đã được đăng ký khai sinh tại nước ngoài, đã được cấp hộ chiếu của nước ngoài, xác định trẻ đã có quốc tịch nước ngoài… nhưng sau đó, vẫn được Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài xác định những trẻ em này mang quốc tịch Việt Nam, ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh (ghi chú khai sinh), bổ sung phần ghi về quốc tịch và cấp bản chính Giấy khai sinh/Trích lục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh cho những trẻ em này (Giấy khai sinh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không có phần ghi về quốc tịch). 

Hiện có hai quan điểm liên quan đến quy định này. Quan điểm thứ nhất phân tích, Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam chỉ quy định việc lựa chọn có quốc tịch Việt Nam và việc lựa chọn này phải thể hiện bằng văn bản, không quy định việc cha, mẹ trẻ đăng ký hộ tịch tại cơ quan hộ tịch nước ngoài và đã xác lập/lựa chọn quốc tịch nước ngoài theo pháp luật nước ngoài thì không được phép lựa chọn/ảnh hưởng đến việc xác lập quốc tịch Việt Nam. 

Bên cạnh đó, việc lựa chọn quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện tại thời điểm đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, vì pháp luật Việt Nam chỉ có phạm vi điều chỉnh đối với cơ quan nhà nước Việt Nam. Do đó, theo quan điểm này thì mặc dù trẻ đã có quốc tịch nước ngoài vẫn được đăng ký khai sinh/ghi chú khai sinh, nếu đáp ứng các điều kiện có quốc tịch Việt Nam.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch Việt Nam như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. 

Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay. Thực hiện nguyên tắc quốc tịch được quy định tại Điều 4, Điều 16 tiếp tục có quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. 

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch quy định: “UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”. 

Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP cũng quy định rõ: “Cơ quan đại diện phụ trách khu vực lãnh sự nơi cha, mẹ của trẻ cư trú hoặc nơi trẻ em được sinh ra thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh của trẻ em là công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định tại Điều 49 của Luật Hộ tịch”.

Như vậy, cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đối với công dân Việt Nam.

Trong trường hợp này, trẻ em đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, việc trẻ có hộ chiếu nước ngoài, mang quốc tịch nước ngoài là do cha mẹ trẻ đã lựa chọn và quyết định cho con mang quốc tịch nước ngoài, kể cả trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì muốn xác định trẻ có quốc tịch Việt Nam phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cả cha và mẹ trẻ. Việc Cơ quan đại diện xác định trẻ là công dân Việt Nam và ghi chú khai sinh cho trẻ là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật Quốc tịch.

Có thể nói, quan điểm thứ hai là quan điểm phổ biến và hoàn toàn phù hợp với quy định của cả pháp luật về quốc tịch và hộ tịch, bảo đảm thực thi nguyên tắc một quốc tịch được quy định tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Đọc thêm