Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác: Phải chịu trách nhiệm hình sự

(PLVN) - Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), phạm tội khi đang say rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngược lại, đây còn là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Hải (thường trú tại Ý Yên, Nam Định) cho biết, vừa qua ông đi ăn nhậu cùng bạn bè tại TP Hồ Chí Minh. Khi đang nhậu, có một thanh niên tên V bàn bên đã uống rượu, bia có biểu hiện say xỉn đến mời rượu nhưng ông không uống. Người thanh niên này cố tình ép và cho rằng anh ta bị coi thường khi bị từ chối rồi lấy chai bia đập vào đầu ông. Vết thương khá nặng nên ông phải nằm viện điều trị. 

Mọi diễn biến sự việc đều có camera của quán nhậu ghi lại, sau sự việc lực lượng công an cũng đã đến lập biên bản ghi nhận sự việc. Nằm viện gần một tháng, người thanh niên say rượu và gia đình cũng đến thăm hỏi, nhưng rất qua loa và cho rằng do say rượu mới đánh. Ông Hải không đồng ý với cách giải thích này. Ông hỏi hành vi gây thương tích trong lúc say như vậy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Xuân Nghĩa (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 13 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định việc phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác nêu rõ: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

BLHS quy định như vậy bởi trước khi say, người thực hiện hành vi phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, việc họ bị mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự hoàn toàn do người phạm tội lựa chọn và quyết định. Vì thế, trách nhiệm hình sự đặt ra đối với những người này là ở thời điểm chưa say. Mặt khác, quy định này còn có ý nghĩa trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn việc lợi dụng tình trạng say rượu, bia hoặc chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.

Đối với trường hợp của ông Hải, Luật sư Nghĩa cho rằng, ông Hải cần phải đi giám định thương tật. Nếu tỷ lệ thương tật của ông nhỏ hơn 11% và không thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người hành hung ông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu tỷ lệ thương tật của ông từ 11% đến 30% hoặc nhỏ hơn 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 nêu trên thì người hành hung ông có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Nếu tỷ lệ thương tật của ông từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì người hành hung ông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 2 năm đến 6 năm. Nếu tỷ lệ thương tật của ông từ 61% trở lên hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì người hành hung ông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Tuy nhiên, trong trường hợp tỷ lệ thương tật của của ông Hải nhỏ hơn 11% thì ông Hải có thể khởi kiện anh V yêu cầu đòi bồi thường. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ áp dụng Điều 590 BLHS 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: (1) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.

(2) Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đọc thêm