Quy định “mỗi mét vuông một phiếu biểu quyết”: Liệu chủ sở hữu có quyền quyết định cuộc sống chung cư?

(PLVN) - Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Cty PMC, đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực quản lý tòa nhà  - cho rằng, có thể hệ lụy nếu đưa số mét vuông để bỏ phiếu mà không định nghĩa rõ ràng  diện tích riêng/chung, không làm rõ về vị thế cũng như vai trò của chủ đầu tư có quyền quyết định các nội quy cuộc sống của khu chung cư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, trong thành phần tham dự và việc biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư, “Quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 01 phiếu biểu quyết”.

Từ kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực quản lý bất động sản, trong đó có nhiều dự án chung cư, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, nếu nhìn nhận đến việc quyền bỏ phiếu tính theo diện tích hay tính theo căn hộ thì nên tôn trọng ý kiến của Hội nghị Nhà chung cư. Trong trường hợp Thông tư 06/2019/TT-BXD hướng dẫn áp dụng căn cứ theo diện tích mà không theo căn hộ thì cơ quan ban ngành cần có truyền thông lý do và phân tích cặn kẽ, tránh mọi người hiểu nhầm dẫn đến diễn giải là do chủ đầu tư vận động chính sách. 

Nhìn nhận về quyền bỏ phiếu, việc bỏ phiếu tính theo mét vuông hay tính theo căn hộ cũng đều để cư dân lựa chọn cách thức tổ chức cuộc sống tại nơi ở của mình. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tổ hợp chung cư đã trộn lẫn các chức năng của bất động sản, bao gồm: Tầng hầm là kinh doanh bãi đỗ xe, khu thương mại là kinh doanh các mặt hàng, nhà hàng…, bất động sản thương mại cho thuê trộn lẫn với chức năng nhà ở. Có những nơi chủ đầu tư sở hữu diện tích chiếm đến 1/3 tổng diện tích. 

Vậy, khi bỏ phiếu tính theo mét vuông, sẽ đặt câu hỏi: Khi diện tích riêng của chủ đầu tư là các bất động sản thương mại, chỗ đỗ xe, nhà hàng… thì việc họ có quyền bỏ phiếu để lựa chọn các tiêu chuẩn, nội quy liên quan đến bất động sản nhà ở có hợp lý hay không? Trong khi đó, trên thực tế đã có những xung đột khi trộn lẫn các chức năng bất động sản thương mại với chức năng của nhà ở trong một dự án bất động sản.

“Do đó, việc đưa số mét vuông để bỏ phiếu mà không định nghĩa rõ ràng diện tích riêng/chung, có thể sẽ dẫn đến hệ lụy không làm rõ về vị thế cũng như vai trò của chủ đầu tư trong quyền quyết định các nội quy cuộc sống của khu chung cư hay không, hay chỉ cư dân có quyền quyết định lại các chuẩn mực cuộc sống?” – ông Nguyễn Quang Huy nhận định.

Ngoài ra, ông Huy cũng đặt ra vấn đề, làm thế nào để bỏ phiếu hợp pháp? Hiện nay một số chủ đầu tư hoặc cư dân có căn hộ nhưng chưa về ở hay chưa nhận nhà, chưa thực hiện đóng phí bảo trì, bảo dưỡng hay đóng phí quản lý theo thỏa thuận quy định của cư dân thì có đủ tư cách hợp lệ để bỏ phiếu quyết định hay không? Đặc biệt khi chủ đầu tư có sở hữu riêng, chưa hoàn thành việc bàn giao hồ sơ hoặc bàn giao công trình cho Ban quản trị cư dân vậy có đủ tư cách, đủ số phiếu hợp lệ để bỏ phiếu quyết định các vấn đề của tổ hợp nhà chung cư hay không? 

“Nên chăng là chỉ có các cư dân nhà ở mới có quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn Ban quản trị và thông qua các quy chế hoạt động của nhà chung cư, các bất động sản thương mại không được có quyền bỏ phiếu và quyền lựa chọn cuộc sống nhà chung cư” – ông Huy nói – “Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cần nhanh chóng đưa ra một nghị định về quản lý nhà ở chung cư, nhà ở cao tầng, trong đó quy định chặt chẽ các bất động sản thương mại, chỗ đỗ xe,... thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư hay của các chủ thể khác phải phục vụ cho chức năng của nhà ở, không được kinh doanh ngoài chức năng của nhà ở”.

Đọc thêm