Ra quyết định thi hành án chủ động hay theo yêu cầu?

(PLO) - Quyết định thi hành án có vai trò đặc biệt quan trọng, khởi động toàn bộ quá trình thi hành án. Vấn đề ra quyết định thi hành án được quy định tại Điều 23, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS), Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và Thông tư số 01/2016/TT-BTP quy định về hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ THADS.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo quy định tại Điều 36 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành đối với các phần bản án, quyết định sau: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước (bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước (khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) ; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản).

Theo khoản 1 Điều 36 Luật THADS, ngoài những trường hợp ra quyết định thi hành án chủ động thì tất cả các khoản còn lại trong các bản án, quyết định đều thuộc diện phải có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự thì cơ quan thi hành án mới ra quyết định thi hành án. 

Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về việc ra quyết định thi hành án, tuy nhiên trong thực tiễn, việc lựa chọn loại quyết định thi hành án chủ động hay theo yêu cầu vẫn còn gặp phải một số vướng mắc. Dưới đây là một số tình huống phát sinh trong thực tiễn liên quan đến vấn đề này.

Trường hợp truy nộp, truy thu thuế: Bản án số 911/2016/HSST ngày 22/5/2016 của TAND huyện X tuyên: Ông T phải truy nộp số tiền 60.000.000đ, giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) xã A quản lý.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật THADS Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với các phần bản án, quyết định về “Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án”. Đây là khoản tiền truy nộp, do đó cơ quan THADS sẽ chủ động ra quyết định thi hành án.

Quan  điểm thứ hai cho rằng: Bản án đã tuyên khoản truy nộp này sẽ “giao cho UBND xã A quản lý” như vậy, người được thi hành án ở đây được xác định là “ UBND xã A”.

Mặt khác, khi ra quyết định thi hành án chủ động, cơ quan THADS sẽ gặp khó khăn khi tiến hành xử lý khoản tiền thu được, bởi vì theo Thông tư số 91/2010-BTC của Bộ Tài chính thì khoản truy nộp sẽ được ghi vào biên lai thu tiền nộp ngân sách nhà nước và các khoản tiền thu được sẽ được cơ quan THADS tiến hành nhập ngân sách nhà nước, trong khi đó theo quyết định của bản án thì khoản tiền truy nộp này lại được “giao cho UBND xã A quản lý”.

Do đó, trường hợp này cơ quan THADS cần ra quyết định thi hành án theo yêu cầu, từ đó mới có căn cứ để chi trả số tiền này cho UBND xã A, sau đó UBND xã sẽ tiến hành xử lý số tiền trên theo quy định. Trên thực tế các cơ quan THADS cũng gặp những trường hợp Tòa án tuyên tương tự như trường hợp trên. 

Do còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất trong việc lựa chọn quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn yêu cầu đối với các trường hợp như trên nên việc thi hành án còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Đọc thêm