Thành viên trong hộ gia đình không ký giấy bán đất, giải quyết như thế nào?

(PLO) - Giao đất, công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho hộ gia đình không những đảm bảo về mặt kinh tế cho mỗi thành viên gia đình, mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống với nhau. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ gia đình đôi khi cũng phát sinh những rắc rối, phiền toái không ít cho thành viên hộ gia đình sử dụng đất. 

Hộ gia đình ông Tùng ở huyện An Biên (Kiên Giang) năm 1995 được Nhà nước công nhận QSDĐ, giao đất khá nhiều. Khi 8 người con của ông Tùng lần lượt dựng vợ, gả chồng thì ông bà đều cắt cho mỗi người 5 công đất (01 công = 1.296 m2), coi như là của hồi môn cho con ra ở riêng. Còn lại 24 công, ông bà giao cho người con út sử dụng để lấy lúa ăn và tiền chi tiêu hàng ngày.

Sau khi ông Tùng qua đời được một thời gian, vợ ông Tùng và 7 người con đều thống nhất ủy quyền cho mẹ bán toàn bộ 24 công đất này để lấy tiền chia đều cho các thành viên trong gia đình, duy chỉ có người con út nhất quyết không chịu ký tên vào giấy tờ chuyển nhượng. Anh nại ra rằng: “các anh chị ai nấy đều đã có phần ra ở riêng, không còn chung hộ khẩu với gia đình nên không còn quyền hành gì đối với 24 công đất này nữa”.

Vậy, gia đình ông Tùng phải giải quyết như thế nào khi người con út nhất quyết không chịu cho mẹ và các anh chị chuyển nhượng QSDĐ?

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển QSDĐ”. Tuy nhiên, pháp luật về đất đai cũng như pháp luật về dân sự trước đây chỉ quy định thành viên của hộ gia đình có QSDĐ là những người tại thời điểm được Nhà nước giao đất, công nhận QSDĐ…không quy định điều kiện “đang sống chung”, không phụ thuộc vào hộ khẩu hiện tại của hộ gia đình. Vậy nên, các con của ông Tùng tuy đã cắt khẩu chuyển đi nơi khác, nhưng họ vẫn còn là thành viên của hộ gia đình có chung QSDĐ, diện tích đất trước đây gia đình đã cho mỗi người 5 công không còn nằm trong đất của hộ gia đình nên không tính.  

“Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật (khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013). Việc xác định phần của thành viên trong hộ gia đình của ông Tùng, “nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau” (khoản 3 Điều 103 Bộ luật Dân sự năm 2015) nên 10 thành viên trong hộ gia đình, mỗi người được 2,4 công. Như vậy, di sản thừa kế của ông Tùng là 2,4 công nếu có di chúc thì thực hiện theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia thừa kế theo pháp luật.

Phân chia di sản thừa kế và tranh chấp quyền chuyển nhượng QSDĐ giữa các thành viên trong hộ gia đình ông Tùng nên hòa giải trong nội bộ gia đình. Nếu không hòa giải được thì nhờ ấp, xã tiến hành hòa giải trên cơ sở quy định của pháp luật về thừa kế (2,4 công) và QSDĐ của mỗi thành viên trong hộ gia đình được xác định theo phần bằng nhau (21,6 công đất chia đều cho 9 người gồm mẹ và 8 người con). 

Trước hết, gia đình có thể tổ chức một cuộc họp những người thừa kế lại để thoả thuận cách thức phân chia di sản của ông Tùng bằng tiền hay bằng diện tích đất và vị trí đất. Thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Nếu đạt được thỏa thuận, gia đình ông Tùng phải làm thủ tục phân chia di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế, mỗi người đều có quyền riêng đối với tài sản mà mình được hưởng. Vì vậy, trong văn bản thỏa thuận này, các con có thể ủy quyền cho mẹ toàn quyền định đoạt phần di sản thừa kế mà họ được hưởng. Riêng người con út, nếu không ủy quyền cho mẹ thì có quyền thỏa thuận nhận phần được chia là QSDĐ, hoặc giá trị QSDĐ. 

Thủ tục phân chia di sản thừa kế 2,4 công đất được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Trên cơ sở căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ phân chia di sản thừa kế, công chứng viên sẽ ra thông báo, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất và nơi cư trú cuối cùng của ông Tùng. Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có tranh chấp, khiếu nại gì, văn bản phân chia di sản thừa kế sẽ được lập. 

Trường hợp UBND xã hòa giải thành, nếu tất cả 8 người con đồng ý ủy quyền cho mẹ chuyển nhượng hoặc họ đồng ý ký tên vào các giấy tờ giao dịch thì mọi việc thuận lợi. Nếu hòa giải thành chia theo phần, người con út được nhận diện tích đất hoặc giá trị diện tích đất, ngược lại nếu hòa giải không thành thì các bên có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. 

Đọc thêm