Tránh khoảng trống pháp luật trong trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm

(PLO) - Chiều 22/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì họp liên ngành về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp

Thông tư liên tịch số 15 hướng dẫn chi tiết Điều 51 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản thế chấp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt. Tuy nhiên hiện nay, Nghị định số 83/2010 được thay thế bởi Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định số 102 đã pháp điển và quy định nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 15 (tại Điều 63). Do đó, hiệu lực của Thông tư số 15 cần phải được xem xét.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015, hiện nay không còn hình thức VBQPPL là Thông tư liên tịch của Bộ trưởng các bộ, đòi hỏi có hướng xử lý đối với hình thức văn bản liên tịch này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư liên tịch số 15 có chứa thủ tục hành chính mà theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì thủ tục hành chính không được quy định trong Thông tư, đồng thời Thông tư liên tịch số 15 liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của 4 bộ. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, cần thể hiện nội dung trao đổi, cung cấp thông tin của tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm dưới hình thức văn bản là Nghị định.

Đại diện Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, phải tiến hành rà soát để xem xét có bãi bỏ hết các quy định của Thông tư này không, tránh tạo khoảng trống pháp luật. Cùng với đó, Dự thảo Thông tư thay thế cần lưu ý không quy định chồng lấn các nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành và tạo thuận lợi để triển khai hiệu quả Nghị định 102.

Về vấn đề này, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nêu rõ, để đảm bảo các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 15 không quy định về thủ tục hành chính trong việc trao đổi thông tin mà chỉ hướng dẫn một số nội dung mang tính kỹ thuật. Cụ thể, hướng dẫn kê khai thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm; chuẩn hóa và ban hành các biểu mẫu mới cho phù hợp với phần mềm đăng ký trực tuyến, đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin về phương tiện giao thông của các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản.

Trong Dự thảo Thông tư nêu trên, Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn các Trung tâm Đăng ký trong việc gửi thông báo thế chấp phương tiện giao thông đến các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản. Đồng thời hướng dẫn cơ quan THADS gửi thông báo việc kê biên tài sản thi hành án hoặc thông báo việc kê biên tài sản thi hành án đến Trung tâm Đăng ký mà không hướng dẫn hay quy định trách nhiệm cụ thể trao đổi thông tin của các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành khác.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, Nghị định 83/2010 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 102/2017 nên cần sớm tuyên bố Thông tư liên tịch số 15 đã hết hiệu lực. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiến hành rà soát kỹ lưỡng các quy định của Thông tư này để sau đó xem xét bãi bỏ một phần hay bãi bỏ toàn bộ quy định Thông tư, không để khoảng trống pháp luật.

Thứ trưởng yêu cầu Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 15 phải đề cao tính hiệu quả, hữu ích trong công tác quản lý nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Nếu có các quy định mang tính giao thoa giữa các bộ thì cần cơ chế phối hợp phù hợp để các quy định không cản trở, chồng chéo nhau và bảo đảm chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ.

Đọc thêm