Trường hợp nào không được hòa giải tại cơ sở?

(PLO) - Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS) và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HGƠCS, thi hành đã hơn ba năm. Tuy nhiên, do thiếu thông tư hướng dẫn thi hành và tài liệu tập huấn chưa cụ thể nên những người trong cuộc vẫn khó tiếp cận về những trường hợp không được hòa giải (HG). 
Tổ hòa giải của khu Vĩnh Tường (phường Mạo Khê, TX Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh) trao đổi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở
Tổ hòa giải của khu Vĩnh Tường (phường Mạo Khê, TX Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh) trao đổi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở

Anh Phan Trường Giang (huyện U Minh Thượng - Kiên Giang) hỏi: Theo quy định của pháp luật về HGƠCS, những trường hợp không được HG như: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; Giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (VPHC), hay xử lý hình sự... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi rất lúng túng nên cần hiểu như thế nào cho đúng về điều này?

Nhiều người làm công tác HGƠCS cũng có thắc mắc tương tự như của anh Giang trên đây. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP  thì không HGƠCS trong 6 loại trường hợp. Thứ nhất, “Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng”. Mâu thuẫn được hiểu là tình trạng xung đột với nhau, xâm phạm (lấn quyền lợi của người khác) lợi ích của Nhà nước, lợi ích chung của mọi người và toàn xã hội. Ví dụ: Ông A lấn đất, chiếm đất của trường học; ông B và bà C tranh chấp diện tích đất do Nhà nước quản lý…

Thứ hai, “Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội”. 

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ do các chủ thể có năng lực hành vi thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý gây hậu quả thiệt hại cho xã hội.

“Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau…”. 

Ví dụ: Xử lý việc kết hôn trái pháp luật do Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về tố tụng dân sự nên không thuộc trường hợp HGƠCS.

“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”; “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”; “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng” (Điều 116, 123 BLDS năm 2015).

Ví dụ: Chị A đòi anh B trả tiền còn thiếu khi hai người thỏa thuận với nhau đi nhà nghỉ qua đêm. Hành vi này pháp luật vừa không cho phép, lại vừa trái với đạo đức xã hội. 

Thứ ba, “Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này”. 

Theo quy định tại điểm đ khoản 1, vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây vẫn được HGƠCS: Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý VPHC theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của BLTTHS và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý VPHC theo quy định của pháp luật. 

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTHS hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của BLTTHS và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý VPHC theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích theo Khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 (Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi 2017) ; Tội hiếp dâm theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 BLHS (Điều 141 BLHS 2015, sửa đổi 2017) chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại không yêu cầu khởi tố và cơ quan nhà nước thẩm quyền cũng không XPVPHC thì được HGƠCS. Ngược lại, thì không được HG. Về tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112 BLHS (Điều 142, BLHS 2015 tội “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi”) thì tuyệt đối không được HG, mà đối tượng phải bị xử lý hình sự. 

Thứ tư, “Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này”.

Điểm e Khoản 1 quy định: Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 thì được HGƠCS. Đối tượng áp dụng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có các hành vi vi phạm pháp luật hoặc người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng…Còn các trường hợp vi phạm hành chính khác thì không được đưa ra HGƠCS.  

Trường hợp thứ năm là HG tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp thứ sáu là HG tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đọc thêm