“Nâng tầm” về chất lãnh đạo Hội đồng
Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm qua, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những mặt tích cực, nhưng cũng chia sẻ một số hạn chế trong hoạt động của Hội đồng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dẫn chứng, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP thì dường như Hội đồng chưa tham mưu, tư vấn hiệu quả giúp Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng, ban hành, thi hành VBQPPL khi “để lọt” thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu và thu phí mà chưa rõ có cơ sở pháp lý nào không.
Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung lại cho rằng, Hội đồng chưa phát hiện những bất cập của các quy định về quản lý giao thông vận tải, trong khi thực tế thực hiện rất “rối” như trọng tải, đăng kiểm, giá cước.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ ra khá nhiều vướng mắc cụ thể về TTHC trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Theo ông David Whitehead (Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam), trở ngại lớn nhất không nằm ở quy định pháp luật mà là việc thực thi các quy định đó bởi khi làm việc với chính quyền địa phương các cấp tỉnh, cấp huyện có những diễn giải luật pháp khác hẳn nhau.
Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam Park Chang Eun phản ánh, một số địa phương chưa được trao quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – C/O nên DN buộc phải lên Hà Nội, mất nhiều thời gian nên cần cải cách.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đồng tình, khâu đột phá thể chế cũng được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh nhưng trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đột phá thực hiện thể chế.
“Nên chăng mỗi tháng 1 lần, Hội đồng, Bộ Tư pháp và VCCI phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, mỗi quý 1 lần báo cáo với Chính phủ và đánh giá xem trong tháng qua, quý đã qua giải quyết những kiến nghị của DN như thế nào. Có vậy mới thúc đẩy các cơ quan thực hiện đúng chương trình nghị sự mà Chính phủ đặt ra” - ông Lộc kiến nghị và mong muốn các hiệp hội DN nước ngoài không chỉ mang vốn, kỹ thuật vào Việt Nam mà còn đóng góp sáng kiến cải cách từ những kinh nghiệm hoạt động ở những nước phát triển.
Ghi nhận các kết quả đạt được của Hội đồng và ý kiến trao đổi thẳng thắn của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thể hiện sự quan tâm đến việc kiện toàn lãnh đạo Hội đồng. Đặc biệt sự tham gia của người đứng đầu VCCI chính là sự “nâng tầm về chất” trong công tác cải cách TTHC có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng DN. “Với đổi mới này, hoạt động của Hội đồng sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc mới trong thời gian tới” – Bộ trưởng hy vọng.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng đề nghị các thành viên đại diện các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài thông tin tới Hội đồng những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động để Hội đồng tư vấn giúp Chính phủ có những phản ứng chính sách kịp thời và đưa ra một số giải pháp có thể tháo gỡ những vướng mắc như giao ban hàng tháng hoặc 2 tháng/lần, đưa lĩnh vực quản lý giao thông vận tải vào kế hoạch 6 tháng cuối năm để Hội đồng nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa…
Liên thông công chứng – đất đai – thuế phải gắn với triển khai Luật Công chứng
Trong Phiên họp này, các thành viên Hội đồng cũng góp ý tư vấn đối với Dự thảo Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Đại diện Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) cho biết, theo quy trình liên thông thì tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thực hiện công chứng hợp đồng; TCHNCC phân loại hồ sơ để gửi đến các cơ quan liên quan và trả kết quả giải quyết các TTHC; tạm thu tiền nghĩa vụ tài chính liên quan từ cá nhân, tổ chức và thu đầy đủ thuế phải nộp khi trả kết quả.
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và cơ quan thuế (trường hợp phải nộp thuế) tiếp nhận hồ sơ do TCHNCC chuyển đến và xử lý theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết của Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế (nếu có) chuyển về TCHNCC để trả cho người dân. Đề án dự kiến thí điểm mô hình liên thông này tại 10 địa phương trong vòng 2 năm.
Các thành viên Hội đồng tán thành với việc xây dựng mô hình liên thông trên và nhận định nếu thống nhất đầu mối liên thông như Dự thảo Đề án thì rất thuận lợi cho cho công dân, DN và cả cơ quan nhà nước trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về cơ sở chọn đầu mối là TCHNCC hay băn khoăn về tính không bắt buộc theo mô hình liên thông của Dự thảo Đề án…
Đáng chú ý Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh còn nêu lên thực tế, hiện có 2 “hệ thống” cơ quan công chứng (phòng công chức và văn phòng công chứng) thì nếu giao đầu mối cho TCHNCC, cơ quan nào quản lý, giám sát hoạt động của văn phòng công chứng tư.
Phát biểu về Dự thảo Đề án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, khi được thông qua, việc thực hiện Đề án liên thông phải gắn với việc triển khai thi hành Luật Công chứng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Với Luật Công chứng, Bộ trưởng tin chắc chất lượng hoạt động công chứng sẽ được nâng cao, bảo đảm cho cơ quan công chứng là đầu mối để làm các thủ tục tiếp theo về đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế, rồi tiến tới cả đăng ký giao dịch bảo đảm. Về tính không bắt buộc thực hiện mô hình liên thông, Bộ trưởng lý giải, việc này nên khuyến khích thực hiện và quan trọng là phải chặt chẽ khi triển khai trên thực tế.