Vụ “ép” người chết nộp 30 triệu đồng: Chính quyền thôn hoàn trả lại tiền

(PLO) - “Gia đình bà Trần Thị Ngượi (SN 1955) không thống nhất việc đóng góp vào quỹ xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Cao, chúng tôi đã hoàn trả lại số tiền 30 triệu đồng”, ông Nguyễn Duy Hoa, Trưởng thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết. 
Vợ ông Trần Xuân Sơn bị mất, bà Trần Thị Ngượi trao đổi với phóng viên.
Vợ ông Trần Xuân Sơn bị mất, bà Trần Thị Ngượi trao đổi với phóng viên.
Về việc chính quyền thôn đã “hướng dẫn” vợ con ông Trần Xuân Sơn (SN 1932) nộp đủ 30 triệu đồng mới được chôn cất tại nghĩa trang thôn Đông Cao. Chiều ngày 2/7, tại hội trường thôn, ông Hoàng Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt và cán bộ tư pháp xã đã có cuộc làm việc với đại diện gia đình ông Trần Xuân Sơn, ông Hoàng Văn Nghị (thông gia với ông Sơn – PV).
Trong buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết: “Chính quyền” thôn Đông Cao đã mắc sai phạm khi thu tiền gia đình bà Trần Thị Ngượi, và yêu cầu thôn hoàn trả lại số tiền mà gia đình ông Sơn phải nộp. 
Ông Nguyễn Duy Hoa, Trưởng thôn Đông Cao cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần mời gia đình bà Trần Thị Ngượi lên làm việc, tuy nhiên không ai lên. Ông Trần Xuân Sơn mới nhập khẩu về làng từ hôm 9/5/2014. Chúng tôi đã được nghe thông báo về việc ông Trần Xuân Sơn cùng vợ nhập khẩu về làng trên phương tiện truyền thanh của xã. Ông Sơn bị mất khi mới nhập khẩu về thôn được 13 ngày. 
Do ông Trần Xuân Sơn ở nơi khác đến mới nhập khẩu về thôn, chúng tôi đã “hướng dẫn” theo Hương ước của thôn Đông Cao. Gia đình đã thực hiện, sau khi ông Sơn được chôn cất tại nghĩa trang của thôn, gia đình ông Sơn đã không thống nhất việc đóng góp vào quỹ xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Cao. Chúng tôi đã hoàn trả lại số tiền mà trước đây gia đình ông Sơn đã đóng góp. 
Vợ ông Trần Xuân Sơn bị mất, bà Trần Thị Ngượi trao đổi với phóng viên.
Vợ ông Trần Xuân Sơn bị mất, bà Trần Thị Ngượi trao đổi với phóng viên. 
Khi được hỏi về Hương ước của thôn, ông Hoa cho biết: Quy định trên là một điều trong hương ước của làng được xây dựng từ các cuộc họp của đại diện chính quyền thôn cùng 47 dòng họ trong làng. Trong hương ước có quy định là nếu người nơi khác đến đây mà muốn mai táng ở nghĩa trang của thôn thì phải đóng góp một khoản phí nhằm tu bổ nghĩa trang và sắm sửa đồ lễ.
Và, ông Hoa phân trần rằng, nếu thôn không thu thì sẽ trái với Hương ước của làng đề ra. Việc này nhằm hạn chế những người ở nơi khác đến nghĩa trang của thôn chôn cất. Có một số trường hợp ở nơi khác nhưng khi chết lại mang về đây trong khi quỹ đất của thôn có hạn nên mới đề ra quy định như vậy, chứ người chính gốc ở làng thì thôn không hề thu phí. 
Tuy nhiên, trước đó ông Hoa đã quên rằng ông Sơn cũng là người của thôn, có hộ khẩu thường trú tại thôn. Một quy định quá vô lý của thôn Đông Cao khi bắt gia đình bà Ngượi đóng góp một khoản phí lớn như vậy mà chính quyền xã Tráng Việt lại giải quyết khá chậm chạp nên đã gây bức xúc cho người dân. 
Trước đó, như đã đưa tin, chồng bà Trần Thị Ngượi (SN 1955) là ông Trần Xuân Sơn (sinh năm 1932), có địa chỉ thường trú tại khu Tân Lập, phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ông Sơn là chiến sĩ lão thành cách mạng, bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Ở tuổi xế chiều, ông Sơn muốn về ở cùng với người con trai là Trần Tiến Đạt đã lấy vợ và có hộ khẩu tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Năm 2013, ông bà lên Hà Nội sống cùng con và đến 9/5/2014 thì nhập hộ khẩu về đây. Ngày 23.5, ông Trần Văn Sơn qua đời, gia đình nhờ người thân xin được mai táng ông tại nghĩa địa của thôn. Lấy lý do ông Sơn không phải người gốc ở làng nên người của thôn đã "hướng dẫn" vợ con ông nộp đủ 30 triệu để được chôn cất. 
Do tình thế bắt buộc, gia đình buộc phải đóng đủ 30 triệu để lo cho ông được mồ yên mả đẹp. Theo giấy biên nhận, ghi bằng tay, ngày 24/5/2014, do bà Hoàng Thị Bình - đại diện thôn Đông Cao ký nhận, số tiền 30 triệu đồng nói trên là "Để xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Cao"./.

Đọc thêm