Từ việc khởi tố vụ án học sinh bị tát 231 cái: Tìm hiểu quy định xét xử vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi

(PLO) - Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hướng dẫn của TANDTC tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC (có hiệu lực từ ngày 1/12/2018), vụ án hình sự (VAHS) có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC cũng nêu rõ, khi xét xử VAHS có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín. Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhóm VAHS có người TGTT là người dưới 18 tuổi thì Tòa án không tổ chức xét xử lưu động.

VAHS có người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương tâm lý được xét xử ở đâu?

Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử VAHS có người TGTT là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xác định, Tòa này xét xử VAHS có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc VAHS có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. “Người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý” được Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC giải thích là “người luôn ở trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi do tác động bởi hành vi phạm tội gây ra”.

Theo các Điều 4, Điều 5 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC, những VAHS thuộc 4 nhóm sau được Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự: Có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng; Có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự; Vụ án mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi; Có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Những VAHS thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp nói trên thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.

Phải có Hội thẩm hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi

Pháp luật tố tụng hình sự quy định, khi giải quyết VAHS có người tham gia tố tụng (TGTT) là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán phải là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các VAHS có người TGTT là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Hội đồng xét xử phải có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC giải thích, “người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi” là “người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. 

Theo Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi: Luật sư; Trợ giúp viên pháp lý; Bào chữa viên nhân dân; Người khác. 

Đọc thêm