Tử vong sau khi bị một số cơ sở y tế từ chối ở Bình Dương: Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Người đàn ông bị đột quỵ được người nhà đưa đến nhiều cơ sở y tế nhưng đều bị từ chối cấp cứu, sau đó về nhà thì tử vong.
Đại tá Trần Văn Chính thông tin về sự việc.
Đại tá Trần Văn Chính thông tin về sự việc.

Bị nhiều cơ sở y tế từ chối cấp cứu

Theo xác định của CQĐT, tối 13/8, ông Ngô Dương (57 tuổi, quê Trà Vinh) đang ăn cơm tại phòng trọ ở phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương, thì ngất. Người thân dùng xe tải chở ông đến Trung tâm Y tế Dĩ An cấp cứu.

Người nhà thấy trước cổng có bảng thông báo từ ngày 22/7 nơi này đã chuyển thành BV điều trị Covid-19, "tất cả hoạt động khám, chữa bệnh và cấp cứu thông thường được chuyển về 3 BV vệ tinh là Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, Perfect 5 Đông Hòa, Nam Anh", nên không đưa ông Dương vào.

Theo chỉ dẫn này, ông Dương được đưa đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng. Sau khi xét nghiệm dịch vụ với giá 700.000 đồng có kết quả âm tính với nCoV, bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng "tri giác lơ mơ, không tiếp xúc được, tiền sử bệnh là cao huyết áp, đột quỵ não cũ". Một lúc sau, bác sĩ cho biết tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn nên phòng khám đề nghị người nhà chuyển ông đến BV Quân y 4 (Quân đoàn 4).

Tuy nhiên, khi đến thì BV Quân y 4 cho rằng đang quá tải, ca bệnh vượt quá khả năng điều trị và nơi đây đang xử lý khử khuẩn (do vừa cấp cứu một bệnh nhân Covid-19 trở nặng) nên tư vấn chuyển ông Dương sang BV Thủ Đức - nơi có đủ phương tiện cấp cứu.

Người nhà không chuyển ông Dương sang Bệnh viện Thủ Đức mà chạy đến Phòng khám Đa khoa Nam Anh hỏi thăm để đưa bệnh nhân đến. Nhân viên bảo vệ nói vẫn tiếp nhận bệnh nhưng nếu bệnh nặng thì nên chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Sau đó, người thân đưa ông Dương về phòng trọ. Đến 5h ngày 14/8 ông tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương nhìn nhận, hiện các cơ sở y tế trong tỉnh bị quá tải, nhân viên y tế bị áp lực do dịch Covid-19. "Tuy vậy, việc từ chối cấp cứu bệnh nhân là sai quy định. Ngành y tế sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần không bao che nếu có vi phạm", ông Chương nói.

Theo đại tá Trần Văn Chính, Phó GĐ Công an tỉnh Bình Dương, CQĐT đang phối hợp với ngành y tế làm rõ tính chất, sự thật khách quan để xác định có hay không hành vi Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS.

Được biết, ngày 15/8, UBND TP Dĩ An đã làm việc với các cơ sở y tế Trung tâm Y tế Dĩ An, BV Quân đoàn 4, phòng khám đa khoa Ngọc Hồng và phòng khám đa khoa Nam Anh (tất cả đều nằm trên địa bàn Dĩ An).

Qua báo cáo, xác định tại phòng khám Ngọc Hồng, nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 cho ông Dương và người nhà. Có kết quả âm tính, nhân viên tiến hành cấp cứu nhưng ông Dương xuất hiện tình trạng tri giác lơ mơ, không tiếp xúc được, tiêu lỏng 3 lần, nôn ói 4 lần và có tiền sử bệnh cao huyết áp, đột quỵ não cũ. Tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn nên phòng khám đề nghị người nhà chuyển ông Dương đến BV Quân đoàn 4.

BV Quân đoàn 4 tiếp nhận khoảng 23h30 nhưng cho biết đang quá tải, ca bệnh vượt quá khả năng điều trị và nơi đây đang xử lý khử khuẩn do vừa cấp cứu bệnh nhân Covid-19 trở nặng nên tư vấn chuyển ông Dương đến BV Thủ Đức cho kịp thời, có đủ phương tiện cấp cứu.

Ông Dương được đưa về nhà và đến 5h sáng ngày 14/8 thì tử vong.

Đám tang ông Dương.

Đám tang ông Dương.

Cần điều tra xác định trách nhiệm từng nơi

Trước đó, xác định xuất hiện trường hợp người dân cần trợ giúp y tế (sinh đẻ, cấp cứu…) nhưng không được các cơ sở y tế tiếp nhận và xử lý kịp thời nên ngày 12/8/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã có Công văn 3922/UBND-VX chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh phải tiếp nhận cấp cứu, chuyển viện, điều phối từ tổng đài 1022… cấp cứu kịp thời. Nếu không tuân thủ quy định khám chữa bệnh, vi phạm đạo đức; không tiếp nhận các bệnh khi được chuyển đến… để xảy ra tình trạng tử vong thì cần thiết chuyển CQĐT, xử lý hình sự.

LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS TP HCM), nhận xét: “Thông tin một bệnh nhân đến nhiều cơ sở y tế từ công lập đến tư nhân nhưng không được cấp cứu và sau đó tử vong là một điều rất đau đớn, bức xúc. Dư luận lo ngại vì bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh tật, và cũng có thể rơi vào tình thế này”.

“Đối với Trung tâm Y tế Dĩ An, cần làm rõ, nơi đây đã được chuyển đổi 100% công năng thành điều trị bệnh nhân Covid-19 hay không? Nếu không chuyển đổi 100% mà từ chối cấp cứu bệnh nhân là vi phạm hành vi bị cấm tại Điều 6 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009 và Điều 53 về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh kịp thời cho người bệnh”.

“Đối với phòng khám Ngọc Hồng, báo cáo cho thấy họ có tiếp nhận nhưng tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn thì có quyền từ chối cấp cứu và hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế khác là đúng với quy định”.

“Đối với BV Quân đoàn 4, việc từ chối cấp cứu vì quá tải, vừa mới xử lý ca Covid-19 không phải là lý do chính đáng; có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cấp cứu, khám, chữa bệnh. Điều 53, 54 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định chỉ được từ chối cấp cứu khi tình trạng bệnh nhân vượt quá chuyên môn”.

“Đối với phòng khám Nam Anh, người nhà mới vào hỏi bảo vệ chứ chưa đưa bệnh nhân vào khu vực cấp cứu. Và phòng khám này có thể khi tiếp nhận cũng không thể cấp cứu được vì chuyên môn chỉ ở mức phòng khám”, LS Quân nói.

Theo LS Quân, theo điểm g, khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị áp dụng mức phạt bổ sung “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ 6 - 9 tháng.

Hành vi cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo Điều 315 BLHS 2015 “tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo LS Quân.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương điều tra, làm rõ sự việc. Nếu có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật và công khai kết quả trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân; các trường hợp cấp cứu phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời theo đúng quy định; đồng thời có các giải pháp cụ thể không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân.

Đọc thêm