Từ vụ công viên nước Thanh Hà, đại biểu Quốc hội muốn làm rõ “phá dỡ” hay “tháo dỡ” công trình vi phạm

(PLVN) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã góp ý nội dung trên khi tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 10/6.
Đại biểu Lê Quang Huy đề nghị làm rõ phá dỡ hay tháo dỡ công trình vi phạm.
Đại biểu Lê Quang Huy đề nghị làm rõ phá dỡ hay tháo dỡ công trình vi phạm.

Ý kiến của ông Huy xuất phát từ thực tiễn, một từ khóa trong quá trình giám sát có phát sinh vướng mắc, nằm trong phạm vi sửa đổi của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đó là phá dỡ trong Luật Nhà ở, Luật Xây dựng hay “tháo dỡ” trong Luật XLVPHC. 

Sở dĩ cần quan tâm đến từ khóa này là xuất phát từ công trình công viên nước bị phá dỡ gần đây rồi từ đơn thư của một số bà con gửi đến đại biểu khi có vi phạm thì cơ quan chức năng mang máy cẩu, máy xúc đến, gây ra chuyện bất bình.

Ông Huy đề xuất nên có nghiên cứu đưa vào Luật XLVPHC lần sửa đổi này. Cụ thể, trong Luật XLVPHC thì Điều 28, khoản 1, điểm b và Điều 30 đề cập là tháo dỡ. Tuy nhiên, một số trường hợp vi phạm như cột bê tông, bức tường bê tông thì tháo dỡ thế nào, trường hợp này phải phá dỡ mới đúng. Còn với công viên nước, có nhiếu ống nước, cầu trượt… tại sao không tháo khi có thể tháo được, lại đem phá ra, mất rất nhiều tiền của.

Liên quan đến cụm từ này, có 2 Luật rất gần với Luật XLVPHC là Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Với Luật Nhà ở, tại mục 4 chủ yếu quy định phá dỡ nhà ở và phá dỡ theo nghĩa cưỡng chế do vi phạm về quy hoạch, giấy phép… Trong khi đó, Luật XLVPHC quy định là tháo dỡ.

Với Luật Xây dựng, các Nghị định hướng dẫn cũng quy định phá dỡ. Đây là vướng mắc trong thực tế, các cơ quan chức năng khi thực thi đã lúng túng và bị phản ứng. Thực tiễn có những thứ tháo được, những thứ không thể tháo được mà phải phá.

Từ đó, ông Huy kiến nghị Luật XLVPHC nên quy định thế nào đó cho phù hợp, bao quát được thực tế. Cụ thể, có thể là dỡ bỏ, chỉ trường hợp trong thời gian đã được thông báo buộc phải tháo dỡ mà không thi hành để quá thời gian thì mới phải phá.

Đọc thêm