Theo bà Trần Việt Nga - Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), dựa trên kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản được lấy tại 4 tỉnh miền Trung, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế sẽ đánh giá và vào cuối tháng Tám sẽ đưa ra câu trả lời chính xác liệu cá ở các tỉnh này đã an toàn và ăn được chưa.
Theo bà Nga, sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung từ đầu tháng Tư đến nay, ngành y tế đã lấy hơn 430 mẫu hải sản ở các chợ cá, cảng cá. Đây là những nơi tập trung tất cả các loại cá đánh bắt được tại vùng biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Kết quả cho thấy, số mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm nhiều.
Tuy nhiên, để chắc chắn đảm bảo sức khỏe, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu cá ở cảng cá, chợ cá và sẽ lấy thêm ở các đầm nuôi để xét nghiệm. Từ đó, Hội đồng khoa học của Bộ, gồm cả lãnh đạo các Viện khoa học sẽ đánh giá xem cá ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn hay chưa.
Theo bà Nga, các mẫu cá gần đây không đảm bảo chủ yếu do không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng, không phát hiện các mẫu có phenol hay xyanua.
Cụ thể, thời điểm tháng 7 phát hiện 7 trong số 27 mẫu nhiễm kim loại nặng. Đến ngày 19/8 mới phát hiện 1/18 mẫu có dư lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng.
Theo vị đại diện của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế sẽ cố gắng sớm nhất để có câu trả lời, chậm chất là cuối tháng này.
Sáng 22/8, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, đến nay có thể khẳng nươc biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế) đã an toàn để tắm, hoạt động thể thao và nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, từ tháng Tư, đã có những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa và đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam.