Tuần trăng mật ngắn của vị tổng thống nơi chính quyền... toàn đàn ông

(PLO) - Có lẽ tuần trăng mật của Tổng thống lâm thời ở Brazil — ông Michel Temer - sẽ rất ngắn, bởi ông không chỉ thay thế vị lãnh đạo rất không được lòng dân Dilma Rousseff mà còn “kế thừa” hàng loạt vấn đề tương tự như người tiền nhiệm.
Cuộc khủng hoảng ở Brazil chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Người dân Brazil hy vọng rốt cuộc đất nước họ cũng có thể có những biến chuyển sau nhiều tháng diễn ra các cuộc tranh cãi xung quanh cáo buộc đối với Tổng thống Dilma Roussef, vụ việc khiến giới lãnh đạo bị phân tâm, không chú ý tới hàng loạt vấn đề nhức nhối của đất nước, kể cả cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. 

Trở ngại... không mới

Dù ông Temer có sự ủng hộ của giới kinh doanh, song các nhà phân tích chính trị cho rằng ông có thể sẽ vấp phải hàng loạt trở ngại tương tự như bà Rousseff, người vừa bị Quốc hội đình chỉ chức vụ tổng thống trong vòng 180 ngày để chờ phán quyết cuối cùng về cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia của bà. Không chỉ vậy, Tổng thống lâm thời Temer, cựu luật sư hơn 75 tuổi, cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. 

Trên thực tế, ông Temer, một chính trị gia trung hữu kỳ cựu cũng không được lòng dân giống bà Rousseff, lãnh đạo cánh tả mà ông từng làm việc cùng với tư cách Phó Tổng thống trong một liên minh rời rạc, và cuối cùng đã “chết yểu”. 

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Rousseff đã tụt xuống dưới 10%, thì ông Temer có thể cũng chỉ nhận được khoảng 1 đến 2% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống. Tại Brasilia, ông nổi tiếng là một nhà đàm phán tài ba, song lại không có nhiều sức hút với công chúng. Đối với nhiều cử tri, cho đến gần đây, ông vẫn chỉ là một chính trị gia vô danh. 

Sau những tranh cãi về vụ bê bối của bà Rouseff, giờ đây ông Temer - người bị bà Rousseff gọi là “tay lái buôn có hạng” - có thể sẽ phải vật lộn để hàn gắn những rạn nứt và khôi phục niềm tin vào hệ thống chính trị, hiện bị nhiều người Brazil chỉ trích là đã tham nhũng tới mức không thể cứu vãn nổi. 

Thiago Bottino, một chuyên gia tại Quỹ Getulio Vargas, nhận định: “Ông ấy sẽ được “thừa kế” một bộ phận không hề nhỏ người dân Brazil đang bất mãn với các hoạt động chính trị. Sẽ không dễ dàng gì để ông ấy có thể thể hiện mình là một người mới, không dính líu gì tới nhà lãnh đạo (tiền nhiệm) thất bại”. 

Trong khi đó, Lincoln Secco, một nhà sử học tại Trường Đại học Sao Paulo, cho rằng ông Temer còn phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là bà Rousseff. Ông nói: “Trong vòng 5 hay 6 tháng tới đây, Tổng thống Rousseff thực tế vẫn tại vị dù bà ấy không làm gì. Điều này sẽ ảnh hưởng tới ông Temer và gây ra không ít áp lực, buộc chính quyền mới phải nhanh chóng đạt được các kết quả cụ thể”.

Đối với nhiều cử tri, cho đến gần đây, Tổng thống lâm thời Michel Temer vẫn chỉ là một chính trị gia vô danh.

“Lỗ thủng” ngân sách

Hy vọng lớn nhất của chính quyền Temer là vực dậy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này. Giới kinh doanh đang trông đợi vào một chính quyền có thái độ thân thiện với thị trường hơn sau nhiều năm Brazil triển khai các chính sách thiên tả và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. 

Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Để thay đổi điều này, ông Temer đã đề xuất cắt giảm chi tiêu và cải cách thị trường. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thực hiện được những thay đổi này với một hệ thống chính trị có nhiều rạn nứt và “vết thương” có thể còn nặng hơn trước khi kịp lành. 

Là một quốc gia với đầy rẫy những điều bất công, Brazil đã có một sự chuyến biến đáng kể trong vòng 13 năm qua dưới thời bà Rousseff và người tiền nhiệm Luiz Inacia Lula da Silva, người từng đề ra các chương trình xã hội giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo. Một số người cho rằng chính quyền của ông Temer có thể đẩy lùi những tiến bộ này. 

Debora Messenberg, giảng viên Đại học Brasilia, nói: “Nhiều người lo ngại nguy cơ những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây dưới thời Đảng Lao động Brazil (PT) cầm quyền (các quyền của người lao động và phúc lợi xã hội) sẽ không còn như trước. Tôi nghĩ là sẽ xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố, và điều này báo hiệu một giai đoạn khó khăn cho ông Temer”. 

Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer đã bị công kích bởi các vụ điều tra tham nhũng nhằm vào chính giới Brazil, theo đó vạch trần mạng lưới rửa tiền và tham nhũng hàng tỉ USD với trung tâm là Tập đoàn Dầu khí nhà nước Petrobas. 

Cuộc điều tra quy mô lớn, còn được gọi là “Chiến dịch Rửa Xe” (Lava Jato), từng là động lực chính trong chiến dịch vận động lật đổ bà Rousseff, mặc dù bản thân bà không bị dính líu vào vụ việc này. Rất nhiều người biểu tình cũng rất phẫn nộ với đảng của ông Temer, chính đảng bị cáo buộc dùng tiền chính phủ để mua phiếu bầu và các thỏa thuận ngầm. 

Mặc dù Tổng thống lâm thời không bị điều tra, song các nhân chứng quan trọng đã nói với bên nguyên rằng ông ta cũng tham gia mạng lưới này. Chuyên gia phân tích Christopher Garman thuộc Tập đoàn Tư vấn Eurasia nhận định: “Chiến dịch điều tra Lava Jato hiện nay vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền của ông Temer”. 

Bà Rousseff được xem như là đại diện cho tất cả phụ nữ Brazil.

Phụ nữ Brazil tức giận...

Nhưng chưa hết, chính quyền lâm thời của Tổng thống Brazil Michel Temer mới thành lập chưa đầy một ngày sau khi Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua việc luận tội bà Dilma Rousseff còn gặp phải vấn đề về mặt hình ảnh: Không có vị trí nào là nữ! 

Tất cả 24 bộ trưởng ra mắt trong buổi lễ được phát sóng toàn quốc, chỉ vài giờ sau quyết định đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Rousseff, đều có điểm tương đồng: Họ đều là những người đàn ông da trắng. 

Nhà phân tích Ivar Hartmann - chuyên gia luật tại Viện FGV ở Rio de Janeiro - nói: “Đây là một chính quyền toàn những đàn ông da trắng và khá đáng sợ. Đây là lần đầu tiên một chính quyền không hề có bóng dáng một phụ nữ nào kể từ sau chế độ độc tài (1964-1985). Điều này rất đáng lo ngại”. 

Việc xuất hiện một chính quyền toàn nam giới này thậm chí còn gây sự chú ý hơn bởi bà Rousseff, người bị đình chỉ chức vụ sáng 12/5 sau cuộc tranh cãi ở Thượng viện, là nữ Tổng thổng đầu tiên của cường quốc Mỹ Latin này - một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. 

Ngày 12/5, ông Temer, 75 tuổi, đã nói đến việc đoàn kết dân tộc với một chính quyền trung hữu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng nữ giới hay những người da màu - hai nhóm đại diện cho khoảng một nửa dân số Brazil - ngay lập tức đặt ra câu hỏi về tính đại diện của chính quyền này. 

Raquel Vasconcelos de Castro, 19 tuổi, một sinh viên tham gia cuộc biểu tình nhỏ nhưng khá huyên náo của những người phụ nữ trước dinh tổng thống khi ông Temer tới công bố nội các, nói: “Điều này cho thấy sự không hợp pháp của chính quyền. Nó cho thấy họ không đại diện cho toàn thể nhân dân”. 

Bà Rousseff, người nổi lên trong chính trường Brazil vốn bị chi phối bởi nam giới, không được biết đến là nhà lãnh đạo vì nữ quyền, nhưng các dự luật mang tính bước ngoặt như bảo vệ phụ nữ trước tình trạng bạo lực và đặt ra chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên da màu ở các trường đại học đã được thông qua dưới sự lãnh đạo của bà. 

Cả hai nhóm này đều hiện diện trong nội các của bà, với 15 phụ nữ đảm nhiệm vị trí bộ trưởng trong nhiệm kỳ đầu dài bốn năm và nhiệm kỳ hai, vốn bị gián đoạn bởi tuyên bố luận tội trước khi tròn hai năm. 

Một trong số đó là bà Nilma Lino Gomes, nữ Hiệu trưởng da đen đầu tiên của Đại học Liên bang trước khi trở thành Bộ trưởng phụ trách nữ quyền, nhân quyền và bình đẳng sắc tộc - vị trí đã bị ông Temer bãi bỏ sau khi thay bà Rousseff . Và thậm chí nếu như bà Rousseff, 68 tuổi, không ưu tiên cho việc thay đổi mô hình toàn nam giới ở Brasilia, thì bà cũng là cảm hứng cho rất nhiều người, đơn giản bởi những gì bà đã làm được. 

Ngày 12/5, Bộ trưởng Nông nghiệp bị bãi nhiệm Katia Abreu đã rơm rớm nước mắt khi nhớ về nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, một người mà nhân vật này cho là trung thực, có năng lực và tinh thần vì dân. 

Maria das Neves, một nhà hoạt động cánh tả vì thanh niên tới ủng hộ bà Rousseff trong những giờ phút cuối cùng của bà tại Dinh Tổng thống ngày 12/5, nói: “Bà Rousseff có ý nghĩa rất lớn đối với thế hệ phụ nữ trẻ, khiến chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể làm được bất kỳ việc gì, kể cả vị trí Tổng thống. Bà Rousseff không đơn độc. Bà đại diện cho tất cả phụ nữ Brazil”. 

Bà Rousseff đang đối mặt với phiên tòa luận tội bởi các cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng chiến dịch chống lại bà thể hiện sự thành kiến về giới tính, chứ không phải chỉ do các bất đồng về hệ tư tưởng tả - hữu. 

Khẩu hiệu ủng hộ việc luận tội bà Rousseff - “Thân mến, chào tạm biệt” - được các nhà lập pháp nam giới nhắc lại nhiều lần trong cuộc bỏ phiếu chống lại bà ở Quốc hội. Bà Rousseff nói: “Những thái độ chống lại tôi như vậy sẽ không bao giờ xuất hiện đối với một nam tổng thống”. 

Ana Paula Faria, 43 tuổi, một công chức đi biểu tình phản đối ông Temer trước Dinh Tổng thống, nói: “Họ không quan tâm đến những người phụ nữ được giải phóng. Họ không tin tưởng vào phụ nữ với lòng tôn trọng và giờ chúng tôi không biết những gì ở phía trước chúng tôi”... 

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình chính trị căng thẳng hiện nay có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình trở thành bạo lực, tiếp tục lôi cuốn đất nước Nam Mỹ này chìm sâu hơn trong vòng khủng hoảng.

Đọc thêm