Tục thờ thần đá của người Tày ở Phúc Sen

(PLO) - Nằm cách huyện Quảng Uyên khoảng 50km, xóm Khuổi Kỵ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh nổi tiếng bởi những ngôi nhà sàn được làm hoàn toàn bằng đá. 
“Làng đá” Khuổi Kỵ của người Tày ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh vừa được khôi phục lại
“Làng đá” Khuổi Kỵ của người Tày ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh vừa được khôi phục lại

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người dân nơi đây “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ. 

Bà Lục Thị Mạy (78 tuổi) ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen cho biết: “Không biết những hàng rào được mọi người xếp bằng đá từ khi nào nữa, vì từ khi tôi sinh ra đã có những hàng rào đá khắp xóm làng. Tôi được nghe người già kể lại, hàng rào đá được dựng lên để bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn”. 

Còn theo cụ Nông Văn Tâm (71 tuổi, ở làng Khuổi Kỵ): “Vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng  xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng nên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý.

Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại nó, các cơ quan chức năng Cao Bằng phải  mất ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” Khuổi Kỵ được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo.

Đối với người Tày, đá như một linh hồn sống, mãi mãi gắn bó với con người. Tuy nhiên, việc thờ cúng “thần đá” của người Tày khá đơn giản, chỉ cần một mâm cúng gồm rượu, gà hoặc vịt, tiền âm phủ, thậm chỉ chỉ cần một vài nhánh hương trầm dùng để tỏ lòng thành kính và biết ơn.

Hàng rào đá bảo vệ lúa ở Khuổi Kỵ
Hàng rào đá bảo vệ lúa ở Khuổi Kỵ

Kỳ lạ là những năm khô hạn, ở đây vẫn có nước. Mưa lốc đổ xuống ầm ầm như thác nhưng lúa, ngô trên nương rẫy không trôi vì bên trên có rừng ngăn nước… Cứ làm lễ xong có trời mưa gieo ngô, trồng lúa, chim chóc, thú rừng lại kéo về… Bởi thế, những bức tường đá đã hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại. 

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố, vẫn bền bỉ, kiên định và chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác nơi miền biên viễn. Hay nói như ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh: “Đa số những người con của quê hương Đàm Thủy là người dân tộc Tày, cho nên ngôi nhà cũng mang đậm bản sắc văn hóa của họ.

Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá để linh hồn trường tồn với thời gian…”,