Tụng chú Vãng sinh có giảm bớt oan gia trái chủ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để hóa giải oan gia trái chủ, theo Phật pháp, trước phải thành tâm sám hối những tội lỗi trong quá khứ, nguyện cởi bỏ oán kết, sau đó cần phát tâm phục thiện, tịnh tu tam nghiệp, trau dồi Giới-Định-Tuệ và làm lợi ích cho chúng sinh, kết duyên lành rộng lớn cùng nhau tu hành để tất cả đều thành tựu giải thoát.
Tụng chú Vãng sinh có giảm bớt oan gia trái chủ?

Về công năng thần chú Vãng sinh, theo kinh Niệm Phật Ba-la-mật, phẩm thứ 7 (HT.Thích Thiền Tâm dịch): “Lúc bấy giờ, ngài Phổ Hiền Đại Bồ-tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Con nay vì thương tưởng chúng sinh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sinh về Cực lạc, gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độĐà-la-ni. Liền nói chú rằng: Nam-mô A-di-đa bà dạ…”.

Dựa vào tên gọi Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Đà-la-ni thì có thể thấy thần chú này có công năng không thể nghĩ bàn. Theo kinh Niệm Phật Ba-la-mật, hành giả nào thực hành trai giới, giữ ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh; chuyên tâm trì niệm thần chú với lòng tin trong sạch thì chắc chắn được bạt trừ tất cả nghiệp chướng, bảo vệ thân tâm được an ổn, mau chóng sinh về Cực lạc.

Tuy vậy, tùy nhân duyên của mỗi người mà có niềm tin sâu cạn và thái độ ứng xử với thần chú khác nhau. Có người nghe xong thần chú Vãng sinh liền tin tưởng thực hành, càng thực hành lại thêm tin tưởng. Có người chỉ tin suông và thậm chí có người không tin. Thiển nghĩ, người học Phật nói chung cũng không nhất thiết phải tin và thực hành theo những pháp ngoài sở trường của mình. Những người tu các pháp môn Thiền, Tịnh, Mật… đều có những niềm tin, kỹ thuật dụng công riêng cho nên nếu không phải pháp môn thì chúng ta chỉ ghi nhận và tôn trọng niềm tin của người khác.

Về oan gia trái chủ, là những oan trái, nợ nần tiền khiên của gia chủ. Theo luật nhân quả, mỗi người đang hiện hữu với các đặc điểm cá nhân chính là sự kế thừa, sự thừa tự nghiệp lực mà mình đã gây tạo trong quá khứ. Quá khứ thì có xa và gần, có thể là thời gian trước đây của đời này, có thể là các kiếp trước. Những nghiệp thiện-ác của thân miệng ý do mình tạo ra trong quá khứ sẽ hình thành nên nghiệp quả lành-dữ trong hiện tại và tương lai. Oan gia trái chủ là cách nói dân gian của nhân quả-nghiệp báo ác, những quả báo oán đối của những nghiệp nhân bất thiện theo ta như bóng theo hình.

Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về oan gia trái chủ. Về tổng quan, oan gia trái chủ là những quả báo oán đối chẳng lành của những nghiệp nhân bất thiện hữu hình hoặc vô hình tác động bất lợi lên đời sống của chúng ta. Cần lưu ý là chuỗi tương tác từ nhân đến quả không bao giờ đơn tuyến mà đa tuyến. Những oan gia trái chủ được nhận thức theo kiểu báo oán đơn tuyến (ví dụ như trong quá khứ ta giết hại một sinh vật nào đó rồi nó cứ bám theo ta báo oán đến tận ngày nay) thường không đúng với hiện thực sinh động đa tuyến của nhân-duyên-quả. Nên cần hiểu rõ đặc tính của nhân quả Phật giáo để nhận thức đúng về oan gia trái chủ và vận dụng những cách hóa giải thích hợp.

Để hóa giải oan gia trái chủ, theo Phật pháp, trước phải thành tâm sám hối những tội lỗi trong quá khứ, nguyện cởi bỏ oán kết, sau đó cần phát tâm phục thiện, tịnh tu tam nghiệp, trau dồi Giới-Định-Tuệ và làm lợi ích cho chúng sinh, kết duyên lành rộng lớn cùng nhau tu hành để tất cả đều thành tựu giải thoát. Người Phật tử cần nhận thức rằng, chỉ có sự thực hành Chánh pháp mới có thể hóa giải oan gia trái chủ, còn các hình thái mê tín, tà kiến, cầu cúng thì cần phải tránh xa.

Như vậy, người nào có nhân duyên, tin sâu công năng của thần chú Vãng sinh, phát tâm tịnh tu ba nghiệp và gia tâm trì niệm thần chú thì có thể góp phần hóa giải oan gia trái chủ, trợ duyên cho sự nghiệp tu hành. Điều cần nhớ là các pháp tu chỉ là phương tiện, tùy bệnh cho thuốc, là chiếc bè để qua sông, là ngón tay chỉ mặt trăng. Vận dụng phương tiện thiện xảo để tu tập nhưng không xa rời Giới-Định-Tuệ của Thánh đạo tám ngành thì các pháp đều là Phật pháp.