Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp ổn định giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có việc mua tạm trữ 200.000 tấn.
Vì sao gạo “rớt” giá?
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai.
Bên cạnh đó, sau khi Philippines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty của nước này nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của nước này, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.
Thực tế, trái ngược với dự báo, đầu tháng 2/2019, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL đã giảm. Cụ thể, giá lúa IR 50404 tươi, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp còn 4.400 - 4.500 đồng/kg; lúa thơm Jasmine chỉ còn 4.700 đồng/kg - giảm hơn 1.000 đồng/kg so với vụ Đông - Xuân năm ngoái.
Vụ Đông - Xuân 2019, vựa lúa ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 11 triệu tấn. Đây được coi là vụ lúa lớn nhất trong năm, người dân đặt nhiều kỳ vọng trúng mùa, được giá nên việc giá đang giảm khiến bà con đứng ngồi không yên.
Theo đó, xu hướng giá lúa giảm tại ĐBSCL đã được báo trước ngay từ tháng 12/2018, mặc dù nguồn cung đang khan hiếm và nhu cầu gạo được cải thiện. Cụ thể, ở An Giang, lúa IR50404 đã giảm 200 đồng/kg, từ 5.400 đồng/kg xuống 5.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 200 đồng/kg, từ 5.500 đồng/kg xuống 5.300 đồng/kg. Tương tự, tại Vĩnh Long, lúa IR50404 khô giảm 100 đồng/kg – xuống còn 5.800 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo Jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ sau gần 2 tháng, giá lúa đã sụt giảm đáng kể.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân giá lúa giảm xuất phát từ việc thiếu các đơn hàng xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, tại ĐBSCL, cơ cấu giống lúa tại các địa phương cũng đang bộc lộ nhiều bất ổn. Cụ thể, nhiều nơi nông dân xuống giống lúa Đài Thơm 8 một cách tràn lan, không theo kế hoạch, như trước đây từng ồ ạt xuống giống lúa nếp khi Trung Quốc “ăn” hàng - khiến lượng lúa thu hoạch lớn, tồn kho nhiều.
Chờ hợp đồng lớn
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, việc Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tung vốn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh thu mua lúa trong dân tạm trữ chờ xuất khẩu là giải pháp cần thiết nhất trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, việc thu mua 200.000 tấn gạo theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp giá gạo ổn định, đồng thời tin tưởng giá sẽ “nhích” lên trong thời gian tới khi các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu tiến hành giao dịch.
Theo VFA, hiện nay vụ lúa Đông - Xuân 2018 - 2019 đang vào giai đoạn thu hoạch ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL. Vì thế, yêu cầu các doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế chủ động thực hiện các giải pháp, thúc đẩy việc tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo hiệu quả cho người nông dân.
VFA cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, hộ nông dân… thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân gửi kho. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.
Trước đó, tại TP Cần Thơ, trong một cuộc họp với chính quyền các địa phương ĐBSCL, đại diện các doanh nghiệp lớn đang bao tiêu thu mua lúa trong dân cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đủ lớn để thu mua lúa trong dân là rất khó khăn khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp trở ngại. Đặc biệt, trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc thu mua để các thương lái không có cơ hội “ép giá”, đẩy giá thị trường tiếp tục đi xuống.
Các doanh nghiệp còn cho rằng, đang bị thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường lớn Trung Quốc do nước này thường xuyên thay đổi về chính sách; ngày càng kiểm soát khó hơn về chất lượng sản phẩm…
Trước thực tế này, phía các ngân hàng cho biết sẽ có báo cáo kịp thời đến cơ quan chủ quản xin ý kiến nâng hạn mức cho vay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, câu chuyện “đường dài” là liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân để đảm bảo đầu ra vẫn là điều ngành lúa gạo đang thiếu, phải khắc phục căn cơ mới tránh tình trạng rớt giá, phải can thiệp từ phía Nhà nước.
“Theo nguồn tin của PLVN, Bộ NN &PTNT và một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thống nhất việc nhập khẩu ngay 100.000 tấn gạo nếp của Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện phía Trung Quốc cho biết, đây chỉ là mức khởi đầu của năm 2019, việc nhập khẩu gạo chính ngạch từ Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hơn nữa. Cùng ngày 20/2, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác trực tiếp sang Philippines để tìm đầu ra bền vững cho gạo Việt Nam”.