Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuổi thanh xuân nơi chiến hào Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch lớn nhất, kéo dài và quyết liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta. Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn có sự ủng hộ, đóng góp của toàn dân. Trong đó không thể không nói đến những đóng góp của lực lượng thanh niên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi chiến trường khốc liệt.
Nữ chiến sĩ quân y tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh trong bài: BTPNVN)

Nữ chiến sĩ quân y tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh trong bài: BTPNVN)

Nữ chiến sĩ quân y tại chiến trường

Có thể nói, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ có vai trò không nhỏ của những chiến sĩ quân y, đặc biệt là các nữ quân y. Họ đã làm việc liên tục, vất vả trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men.

Một ngày đầu tháng 4/2024, trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đón tiếp một vị khách đặc biệt - bà Đỗ Thị Vấn, nữ quân y thuộc Đội điều trị 3 (tiền thân của Viện Quân y 103 ngày nay). Bà Đỗ Thị Vấn từng tham gia công tác hậu cần, chăm sóc thương - bệnh binh cho chiến sĩ ngoài chiến trường. Bà đưa những người con, người cháu trong gia đình đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi lưu giữ những hiện vật, câu chuyện về những nữ chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ để cùng sống lại những phút giây lịch sử hào hùng, giáo dục cho thế hệ con cháu về lịch sử của dân tộc và nhớ về một thời chiến trường năm xưa.

Theo lời bà, cuối tháng 3/1954, gần 100km đường hào trục đã được bộ đội Việt Nam hoàn thành trong 10 ngày, bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến sát căn cứ của địch. Có mặt ở giao thông hào những ngày lịch sử đó, nữ quân y Đỗ Thị Vấn mới 24 tuổi, làm nhiệm vụ hậu cần, chăm sóc các thương, bệnh binh ở Đội điều trị 3, trực tiếp phục vụ các trận đánh ở đồi Độc Lập, Bản Kéo, Nà Tấn, Mường Phăng.

Ngắm nhìn chiếc đèn dầu hiện vật liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Bảo tàng, bà Đỗ Thị Vấn nhớ lại những đêm chăm sóc thương binh: “Đội điều trị 3 chia làm 3 khu, khu trọng thương, nơi tôi làm việc, khu trung thương và khu kinh thương. Khi anh em về thì mang sữa, cháo cho anh em”.

Cũng như bà Đỗ Thị Vấn, những ký ức về một thời hoa lửa của những nữ chiến sĩ quân y nơi chiến trường Điện Biên Phủ như bà Ngô Thị Ngọc Toản - y tá Đội điều trị 2; bà Nguyễn Thị Được - y tá Đội điều trị 4; bà Phạm Thị Tín - y tá Đội điều trị 3 đều đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

“Tôi làm nhiệm vụ chọn lọc thương binh để đưa về điều trị ở tuyến sau, mỗi ngày có khoảng 100 thương binh. Đường bị bom đánh phá, ùn tắc xe không đi được, thương binh đưa về trạm ngày càng nhiều. Nhiều thương binh nặng trong quá trình vận chuyển vết thương bị hoại tử. Dụng cụ y tế, bông băng, thuốc men thiếu thốn, chúng tôi phải tìm cách khắc phục để cứu chữa một cách nhanh nhất” - bà Ngô Thị Ngọc Toản - y tá Đội điều trị 2 kể.

Bà Đỗ Thị Vấn, nữ quân y thuộc Đội điều trị 3 đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Vấn, nữ quân y thuộc Đội điều trị 3 đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Được - y tá Đội điều trị 4, “đội phẫu thuật có mình tôi là nữ, đi lại bằng giao thông hào, bùn non ngập đến mắt cá chân. Trung bình phục vụ một ngày 70 ca mổ, không kể ngày đêm, mệt thì gục đầu bên thương binh mà ngủ. Sinh hoạt, ăn uống không theo bữa, khi nào anh nuôi mang cơm đến thì ăn. Thời gian còn lại thì ở trong phòng phẫu thuật”.

“Đội tôi ở tuyến đầu đón toàn thương binh nặng. Mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm, nhiều lúc không biết giờ giấc, có khi quên cả ăn. Thương binh mất máu nhiều nên bị choáng, trời mưa lạnh, tôi phải lấy bi đông nước nóng để các anh ủ ấm. Có anh bị thương vào phổi không tự ngồi ăn được, tôi phải cho anh dựa lưng vào và bón từng thìa cháo. Dụng cụ y tế thiếu thốn, tôi phải lấy thanh tre, nứa, nhúng vào nước sôi để thay băng cho các anh”, là hồi ức của bà Phạm Thị Tín - y tá Đội điều trị 3.

Tiếng hát góp phần làm nên chiến thắng

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, “giặc đến nhà - đàn bà cũng đánh”, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng chục nghìn phụ nữ Việt Nam đã hăng hái ra tiền tuyến. Theo thống kê, trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, chiếm một nửa số ngày công phục vụ. Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng sự có mặt của những người phụ nữ trong nhiều vị trí khác nhau như quân y, văn công... đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Bà Trần Thị Ngà - văn công Tổng cục Chính trị phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ kể: “Tôi vừa hát, vừa múa, vừa kiêm cả đóng kịch. Nói là biểu diễn phục vụ thương binh, nhưng thực ra là ở bên cạnh để hát cho anh em nghe, giúp họ quên đi nỗi đau đớn về thể xác. Các anh thương binh còn rất trẻ nhưng dũng cảm lắm. Vì thế tôi sẵn sàng hát không biết mệt mỏi bất kể ngày đêm”.

Nữ dân công dân tộc Thái, Sơn La sinh hoạt văn hóa tại mặt trận.

Nữ dân công dân tộc Thái, Sơn La sinh hoạt văn hóa tại mặt trận.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - văn công Đại đoàn 312 thì văn công khi biểu diễn cũng chỉ mặc đồ bình thường, quần xắn đến đầu gối vì biểu diễn dưới chiến hào. Hôm nào mưa, nước ngập, bùn lầy lội thì phải xắn đến tận bẹn. Đêm gột bùn đi mà ngủ chứ không có nước rửa, cứ chịu bẩn như thế mấy tháng trời. Nhạc cụ cũng chẳng có gì, chủ yếu là hát chay. Những ngày ở Điện Biên mưa nhiều lắm nhưng chỉ có cây đàn được che mưa, còn tất cả diễn viên đều phải dầm mưa dãi nắng.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi chiến trường khốc liệt, những nữ văn công đã thực sự trở thành chiến sĩ. Theo hồi ức của bà Ngô Thị Ngọc Diệp - văn công Đại đoàn 308: “Chúng tôi được trang bị như một chiến sĩ xung kích, từ súng, đạn, lựu đạn, cuốc xẻng, bao gạo đến túi bông băng và nhiều thứ khác. Chiến sự diễn ra ác liệt, văn công được chia thành từng tổ theo phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào. Bộ đội giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về, chúng tôi lại hát cho các anh nghe. Thời gian này đoàn có hai điệu múa “Xòe hoa” và “Khoe giày” được biểu diễn nhiều nhất”...

Đọc thêm