Tuổi trẻ, nghề báo và pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuổi trẻ là giai đoạn đầy nhiệt huyết, thời điểm để khám phá và xây dựng những giấc mơ. Đối với những người trẻ làm báo Pháp luật Việt Nam, công việc này không chỉ là một nghề - nghiệp để thể hiện tài năng và đam mê, mà còn là một sứ mệnh, trách nhiệm, gắn liền với truyền tải thông tin chính xác, góp phần xây dựng một nền tư pháp vững mạnh, một xã hội công bằng, văn minh.
Nhóm phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội và Văn phòng đại diện Nam Định đạt giải A Cuộc thi Báo chí viết về đề tài du lịch ninh Bình năm 2023.
Nhóm phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội và Văn phòng đại diện Nam Định đạt giải A Cuộc thi Báo chí viết về đề tài du lịch ninh Bình năm 2023.

Từ những bước đầu chập chững...

Nói về cơ duyên đến với Báo Pháp luật Việt Nam, Lê Thị Ngọc Hương (26 tuổi) cho hay đó là lựa chọn “giữa lúc bối rối nên tiếp tục theo nghiệp văn sau bốn năm học hay rẽ theo hướng khác”. “Từ nhỏ, tôi đã nghĩ cuộc sống của mình sẽ gắn với con chữ. Tôi viết tất cả mọi thứ mình nhìn thấy. Tất cả đều có thể tạo thành những câu chuyện”, Hương chia sẻ.

Đối với cô phóng viên trẻ, năm 2022 là mốc thời gian đáng nhớ khi bài viết đầu tiên được đăng báo về đề tài trầm cảm tuổi trẻ. “Đó là lúc tôi nhận ra, mình vẫn có thể gửi gắm vào những con chữ, quan sát cuộc sống bằng những lăng kính, góc nhìn đa chiều”, Hương nhớ lại.

“Tôi học về văn, nhưng lúc nào cũng háo hức tìm hiểu cuộc sống. Nghề báo đã cho tôi nhiều hơn thế, tôi không chỉ được thấy những câu chuyện về con người, về cuộc đời, xã hội, mà ẩn sâu bên trong là các vấn đề. Cuộc đời bình lặng trước mắt tôi lúc hai mươi dần trở thành một “củ hành”, càng bóc tách, càng muốn tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn”, cô phóng viên trẻ chia sẻ.

Phóng viên Ngọc Hương đi thực tế tại làng cổ Đường Lâm.

Phóng viên Ngọc Hương đi thực tế tại làng cổ Đường Lâm.

Còn đối với Nguyễn Linh Chi (26 tuổi), “nghề chọn người” có lẽ là câu nói phù hợp nhất nói về cơ duyên làm việc tại Báo Pháp luật Việt Nam. “Dù xuất thân từ trường báo nhưng chuyên ngành của tôi là chính trị học, tưởng như chẳng liên quan gì tới cái nghề sống bằng nghiệp viết và “chơi” với con chữ. Thế nhưng, ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học tôi đã có dịp thử sức viết bài, viết tin cho một số trang tin điện tử. Từ đó, tôi dần phát hiện ra niềm đam mê với nghề báo lúc nào không hay. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp, với nhiệt huyết và niềm đam mê với viết lách, tôi may mắn được cộng tác với Báo Pháp luật Việt Nam. Tôi vẫn nhớ bài báo đầu tiên được đăng tải trên báo có tít “Bún mắng, cháo chửi” tồn tại nhờ... khách hàng tốt nhịn”. Đối với tôi, đó không chỉ là một bài báo mà còn là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường đáng nhớ”, Chi cho hay.

“Nạp năng lượng” từ những thách thức

Hương và Chi cũng như nhiều phóng viên trẻ khác đã trải qua quá trình học tập và rèn luyện vất vả để có thể bước chân và tồn tại cùng nghề báo đầy thách thức nhưng cũng vô vàn điều mới mẻ. Họ bước từng bước, từ việc làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, áp lực của nghề đến việc luôn phải cập nhật, bồi dưỡng kiến thức sâu rộng về luật pháp, xã hội cùng khả năng phân tích, đánh giá và viết bài một cách chính xác, khách quan. Càng làm nghề, các bạn phóng viên trẻ càng thấu hiểu rằng, mỗi bài viết đều phải được kiểm chứng kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính xác và trung thực. Đôi khi, họ phải làm việc suốt đêm để kịp thời đưa tin, mang đến cho độc giả những thông tin mới nhất, chính xác nhất. Dần dần, những khó khăn không còn là thách thức mà trở thành niềm vui khi làm báo.

Phóng viên Linh Chi tác nghiệp tại SEA Games 31.

Phóng viên Linh Chi tác nghiệp tại SEA Games 31.

Hương chia sẻ: “Một trong những việc khiến tôi hứng khởi nhất khi làm báo là được gặp những người mới, nghe họ kể những câu chuyện về cuộc đời, chuyện nghề nghiệp, trăn trở, suy tư trong cuộc sống này. Tôi nhớ những mùa thi THPT quốc gia, thi vào lớp 10, dù năm nào cũng tác nghiệp, nhưng mỗi thời điểm lại đem đến những cảm xúc khác nhau. Từ nụ cười rạng ngời của học sinh khi làm được bài đến cái ôm nghẹn ngào, những cái nắm tay, ánh mắt chứa chan tình đồng đội, hay hình ảnh người chị gái ôm bó hoa tìm em trai trong dòng học sinh tấp nập đi ra...

Hương cũng nhớ những lần “một mình trên chiếc xe máy đến rất nhiều làng truyền thống ở Hà Nội để phỏng vấn”, mà “lần nào cũng may mắn được “dân bản địa” giúp đỡ tìm đến những thợ lành nghề uy tín” rồi cùng nhau chia sẻ, trò chuyện như những “cố nhân lâu ngày không gặp”.

Còn đối với Chi, “hạnh phúc của nghề chính là được trở thành một thành viên trong ngôi nhà Pháp luật Việt Nam”. Đó là nơi cô phóng viên trẻ có thể thỏa sức hết mình với đam mê, “mỗi ngày được ấp ủ đề tài, đau đáu với nó rồi hạnh phúc khi thấy “đứa con tinh thần” của mình hiện trên trang báo, được độc giả đón đọc, quan tâm”.

Tình đồng đội gắn kết và kỳ vọng tương lai

Chặng đường làm nghề tại Báo Pháp luật Việt Nam cũng mang lại cho những bạn trẻ thấu hiểu tình đồng đội quý báu. Phóng viên Đỗ Trang (29 tuổi) chia sẻ: “Kể từ khi cộng tác với báo năm 2017, tôi thấy được nỗ lực của cả một êkip báo chí đằng sau những tác phẩm chất lượng. Đó là sự gắn kết vô hình nhưng lại rất bền chặt. Phía sau những giải thưởng báo chí trong năm vừa qua, như Giải A Cuộc thi Báo chí viết về đề tài du lịch Ninh Bình năm 2023, Giải Khuyến khích Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2023,… đều có dấu ấn đóng góp của những bạn phóng viên rất trẻ như Hương, Chi, những phóng viên kỳ cựu trong báo, các anh chị biên tập viên, thiết kế, dàn trang,… đã phối hợp nhịp nhàng để cho ra đời những ấn phẩm tốt nhất. Trong cảm nhận của riêng tôi, vẻ đẹp và hào quang của nghề báo chính là những cống hiến âm thầm như vậy”.

“Tôi cảm thấy may mắn khi ở những bước chân đầu tiên chập chững vào nghề tôi đã được đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam”, Chi cho biết, “Tại đây, tôi còn được học hỏi kinh nghiệm từ ban lãnh đạo, các anh, các chị, những người tôi vô cùng kính trọng. Dưới sự chỉ dạy của người đi trước tôi hiểu những điều cốt lõi của một người làm báo và lấy đó làm mục tiêu theo đuổi. Tôi cũng vinh dự được sát cánh cùng anh chị nhận giải thưởng cho các tác phẩm hay”.

Nhóm phóng viên Ban văn hóa - Xã hội và văn phòng đại diện Quảng Ninh nhận giải Khuyến khích giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2023.
Nhóm phóng viên Ban văn hóa - Xã hội và văn phòng đại diện Quảng Ninh nhận giải Khuyến khích giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2023.

Tuổi trẻ với nhiệt huyết, sáng tạo và khát khao học hỏi, sẽ tiếp nối các thế hệ đi trước, mang đến sức sống mới, sự đổi mới cho nghề báo, góp phần làm phong phú thêm nội dung và phương thức truyền tải thông tin. Trong bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi, những phóng viên trẻ tại Báo Pháp luật Việt Nam cũng luôn mang trong mình những kỳ vọng, ước mơ. Họ không chỉ mong muốn trở thành những nhà báo giỏi, góp phần nâng cao chất lượng báo chí, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà, mà còn mong muốn góp sức xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

“Tiếp nối những giá trị mà những thế hệ nhà báo đi trước dày công tạo dựng, các thế hệ trẻ cầm bút như chúng tôi hôm nay ngày càng phải nâng cao quyết tâm xây dựng một môi trường văn hóa báo chí để phát triển vững mạnh. Chúng tôi hy vọng mình có thể góp phần công sức nhỏ nhoi để đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng cũng như nuôi, giữ niềm tin của bạn đọc hiện tại và tương lai” - đó là ước mơ chung trên hành trình làm báo đầy mới mẻ và thử thách của họ.

Đọc thêm