Tương lai loài người mong manh vì biến đổi khí hậu

(PLO) - Nhiều loại khí thải góp phần hâm nóng trái đất đã đạt mức kỷ lục ở khắp nơi trên toàn cầu trong năm 2017, một năm  đã được ghi nhận có nhiệt độ tăng cao bất thường và băng Bắc cực tan chảy mạnh chưa từng có. 
Than đá, nguồn tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu, tiếp tục phát triển trong những năm gần đây

Theo bản báo cáo hàng năm của Cơ quan quốc gia về Đại dương và Khí quyển của Mỹ (NOAA), công bố ngày 1/8/2018, tốc độ ấm lên của trái đất đang bị đẩy nhanh do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.  Sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng mức độ tập trung khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao chưa từng có trong năm 2017. Đây cũng là năm tổng thống Donald Trump thông báo rút Hoa kỳ ra khỏi thỏa thuận quốc tế về khí hậu ký tại Paris.

Mỹ là nước gây ô nhiễm lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, tuy nhiên việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống đã dẫn đến những biến động bất ngờ về vấn đề trách nhiệm bảo vệ bầu khí hậu chung.

Lên lãnh đạo nước Mỹ với thái độ ngờ vực trách nhiệm của con người khiến bầu khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, ông Donald Trump đã tiến hành ngay việc phá bỏ các văn bản pháp lý mà chính quyền Obama đã nỗ lực xây dựng để hạn chế các tác động tiêu cực của con người đối với bầu khí hậu.

Một người đi đường dùng ô để chống chọi với gió và mưa lớn khi bão Jongdari đổ bộ vào Tokyo, Nhật Bản hôm 28/7. Hơn 300 người đã thiệt mạng tại Nhật Bản trong tháng 7 do các thảm họa tự nhiên.

Bản báo cáo vừa công bố của cơ quan khí hậu Mỹ dày 300 trang tập hợp các nghiên cứu của 450 nhà khoa học thuộc 60 quốc gia. Trong tài liệu này người ta có thể tìm thấy từ “bất  thường” được sử dụng tới hàng chục lần để mô tả các hiện tượng bão, hạn hán, nhiệt độ tăng cao hay mức độ tan chảy băng kỷ lục ở Bắc cực trong năm 2017. 

Dưới đây là một vài kết luận chính của báo cáo:

Khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao: Năm qua, tỷ lệ ba loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm nhất tập trung trong bầu khí quyển : CO2, methane và protoxyde ni-tơ, đã đạt mức kỷ lục. 

Tỷ lệ tích tụ khí CO2 phủ trên bề mặt trái đất cũng đạt mức độ cao chưa từng có. Bản báo cáo nhấn mạnh “mức khí CO2 trên toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần từ đầu thập niên 1960”.

Nếu như năm 2016 đã phá vỡ kỷ lục năm nóng nhất kỷ nguyên hiện đại ,thì năm 2017 kỷ lục này tiếp tục duy trì. Theo các số liệu thu thập được, năm 2017 là năm thứ hai nóng nhất kể từ giữa thế kỷ 19 và đây là năm không có hiện tượng El Nino mà vẫn nóng nhất kể từ khi các dữ liệu về thời tiết khí hậu được thu thập. 

Năm ngoái, kỷ lục nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều nước như Achentina, Uruguay, Tây Ban Nha và ở Bungari. Riêng tại Mêhicô, 2017 là năm thứ tư liên tiếp phá kỷ lục về độ nóng. 

Nước biển dâng cao: Năm 2017 cũng ghi nhận mực nước biển dâng cao kỷ lục liên tục trong 6 năm. Mực nước biển hiện nay cao hơn so với năm 1993 là 7,7 cm. Ông Gregory Johnson, nhà đại dương học thuộc cơ quan khí tượng Mỹ (NOAA), nhấn mạnh: “Ngay cả chúng ta kiềm chế tỷ lệ khí phát thảy gây hiệu ứng nhà kính ở mức như hiện nay, đại dương vẫn sẽ tiếp bị hâm nóng và nước biển tiếp tục dâng trong nhiều thế kỷ tới”. 

Băng Bắc cực tan chảy mạnh: Báo cáo trên cho biết, tại Nam cực nhiệt độ bề mặt trung bình cao hơn 1,6°C so với số liệu ghi được trong giai đoạn 1981-2010. Tài liệu nhấn mạnh: “Bắc cực chưa từng biết đến nhiệt độ tăng một cách bất bình thường trong không khí cũng như trên mặt nước kể từ 2000 năm qua”.

Tháng 3 năm nay, các ảnh chụp vệ tinh cho thấy dải băng ở Bắc cực đã bị thu hẹp lại chưa từng thấy từ 37 năm qua. Các dòng sông băng trên bề mặt trái đất bị co lại. Hiện tượng này đang tiếp diễn liên tiếp trong 38 năm qua.

Hiện tượng bất thường này lại kéo theo bất thường khác. Báo cáo cho biết, lượng mưa trên các vùng đất liền năm 2017 đã cao rõ rệt hơn so với mức trung bình. Nhiệt độ các mảng đại dương tăng dẫn đến tỷ lệ độ ẩm cũng tăng lên, đặc biệt trong 3 năm qua, gây ra mưa nhiều, trong khi đó thì vẫn có những vùng khác trên trái đất phải chịu hạn hán triền miên.

Các đại dương bị hâm nóng còn gây hậu quả nghiêm trọng khác đó là các dải san hô bị hủy, hoại khiến cho các loài cá và sinh vật biển bị mất nơi trú ngụ, dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Tình trạng các dải san hộ bị thoái hóa đã kéo dài liên tục từ năm 2014 đến 2017, đây là giai đoạn dài nhất từ trước đến giờ.

Điều gì sẽ diễn ra với con người nếu trái đất tiếp tục nóng lên? Theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của con người là nguyên nhân số một gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là do phá rừng và tăng lượng khí thải CO2 từ đốt nhiên liệu hóa thạch. Các đợt nóng kéo dài sẽ dẫn tới tổn hại nặng nề với sức khỏe con người, với những bệnh như đột quỵ, say nắng, tim mạch...

Theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học vừa công bố đầu tuần này, số người thiệt mạng vì các đợt nắng nóng sẽ tăng khủng khiếp trong một số vùng của trái đất từ nay đến năm 2080, nếu thế giới không có chính sách ngăn chặn hiện tượng hâm nóng khí hậu.

Nghiên cứu đăng trên báo PLOS Medecine chỉ rõ những vùng liên quan nhiều nhất là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Kết quả của nghiên cứu này khẳng định cần phải có chính sách rộng lớn hơn nữa để hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thì mới có thể giảm số nạn nhân của các đợt nắng nóng gay gắt.

Ông Antonio Gasparrini, chuyên gia thuộc London School of Hygiene&Tropical Medecine, đồng tác giả nghiên cứu trên, nhấn mạnh là nhiều nước đã và đang bị các đợt nắng nóng chết người và tần số các đợt nắng nóng như vậy sẽ còn tiếp tục gia tăng. Chuyên gia này nhận định chỉ có giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính chúng ta mới hy vọng hạn chế được các hậu quả. 

Nghiên cứu đưa ra dự báo hậu quả liên quan đến 412 cộng đồng dân cư ở 20 nước trong khoảng thời gian từ 2031 đến 2080. So sánh với giai đoạn 1971-2020 và trong kịch bản tồi tệ nhất, số nạn nhân của nắng nóng sẽ tăng gấp 12 lần ở Philippines. Với nước Úc và Mỹ, con số trên sẽ tăng gấp 5 lần và với Anh Quốc tăng gấp 4. 

Trong một kịch bản đỡ tồi tệ hơn, tức là có thực thi chính sách về khí hậu như đã được Thỏa thuận Paris ấn định thì số người chết vì các đợt thiên tai năng nóng cũng vẫn tăng gấp đôi ở nước Anh.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu khiến tương lai loài người trở nên mong manh. Điều đáng sợ là đã quá muộn khi chúng ta vẫn tiếp tục thải vào không trung lượng khí thải khổng lồ. Dù có ngừng mọi hoạt động tạo ra CO2, con người cũng sẽ vẫn phải đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, nếu tích cực giảm lượng khí thải toàn cầu, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ nhẹ hơn.

Chính quyền Trump vốn hoài nghi về tác động của con người đến biến đổi khí hậu và tổng thống Mỹ cũng đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris. Thế nhưng, hôm 3/11/2017, Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho báo cáo quốc gia về khí hậu. Công trình khoa học này trực tiếp phản bác lập trường của tổng thống Trump và lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ Scott Pruitt, người ủng hộ năng lượng hóa thạch.

Một bài báo tường thuật: :Chính con người, xe cộ của chúng ta, các nhà máy điện của chúng ta, những khu rừng mà chúng ta phá hủy, là thủ phạm của việc Trái đất bị hâm nóng. Không có cách giải thích đáng tin cậy nào khác về hiện tượng này. Kết luận bản báo cáo (Đánh giá quốc gia về khí hậu/ National Climate Assessment, được thực hiện bốn năm một lần, và đây là lần thứ tư) của 13 cơ quan Liên bang Mỹ, công bố là rất rõ ràng. Bản báo cáo này được chính cơ quan khoa học của Nhà Trắng phê chuẩn.

Báo cáo Fourth National Climate Assessment đặc biệt chỉ ra tần suất tăng vọt của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như khô hạn, bão tố, mưa lớn… trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục liên tục vài năm gần đây. Mức nước biển tăng nhanh từ năm 1993, chiếm khoảng phân nửa mức tăng từ năm 1900 đến nay, và ảnh hưởng đến khoảng 30 thành phố ven biển nước Mỹ.

Dù tổng thống Mỹ có chống lại Thỏa thuận khí hậu, các loại hình năng lượng sạch, trước hết là gió và mặt trời, tiếp tục phát triển mạnh. Theo thống kê, tính riêng trong tháng 3/2017, hai loại năng lượng này đã vượt ngưỡng 10% sản lượng điện toàn quốc (8% gió, 2% mặt trời).

Năng lượng mặt trời năm 2016 tăng 25% so với năm trước, năng lượng gió tăng 32%. Và xu hướng này hiện vẫn đang tiếp tục. Số việc làm mới do hai ngành năng lượng này tạo ra cho nước Mỹ nhiều hơn tất cả các năng lượng khác cộng lại.

Đọc thêm