Điều tưởng như viễn cảnh đó nay đã là thực tế hàng ngày. Và đó mới chỉ là một dạng hoạt động sơ khai trong “xã hội 4.0”.
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã thay đổi nhiều thứ. Trong lĩnh vực tư pháp, ở tương lai gần, dựa vào tính toán của trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), và yếu tố vạn vật kết nối (Internet of things - IoT), hệ sinh thái pháp luật sẽ dần hình thành. Những nhà làm luật sẽ có thể bỏ qua những công đoạn thống kê lặp đi lặp lại nhàm chán để tập trung chất lượng làm luật, để tập trung sáng tạo xác định những lĩnh vực bức thiết trong xã hội cần ban hành luật điều chỉnh. Thông qua kết nối mọi lúc mọi nơi, các dự án luật sẽ được theo dõi, giám sát ngay từ khi giao trách nhiệm…
Với CMCN 4.0, hệ thống quy định pháp luật tưởng là “rừng văn bản rắc rối” như trong lĩnh vực đất đai sẽ hóa đơn giản, khi trí tuệ nhân tạo trong tích tắc đưa ra trả lời chính xác điều luật này có còn hiệu lực, văn bản nào hướng dẫn thực hiện? Hoặc sẽ ra đời những robot tư vấn, cung cấp văn bản pháp luật, “gỡ rối” một số vấn đề pháp lý…
Những điều đó sẽ sớm đến, khi các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đang dần hình thành, khi internet đã phủ sóng khắp nơi, khi ứng dụng công nghệ phát triển như vũ bão mỗi ngày.
CMCN 4.0 cũng dần len lỏi khắp mọi mặt cuộc sống ngày thường. Đã xuất hiện những hệ thống trang trại thông minh tự cảm nhận thời tiết, tự điều chỉnh nhiệt độ, tự chăm sóc cây trái. Đã xuất hiện những hệ thống trả lời tự động chăm sóc khách hàng, giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí. Đã xuất hiện khắp Bắc - Trung - Nam những nhà máy tự động hóa nhiều công đoạn…
Báo chí không nằm ngoài xu thế CMCN 4.0. Báo điện tử là xu hướng không thể thay đổi. Làm báo nay không chỉ phải trung thực chính xác, mà còn phải nhanh từng phút, đa phương tiện kết hợp báo viết - nói - hình, thể hiện trình bày ấn tượng; thậm chí vừa tường thuật trực tiếp, vừa tương tác tức thì với bạn đọc. Trí tuệ nhân tạo đã được thử nghiệm trong một số tòa soạn, có thể tự động thu thập dữ liệu, viết tin bài thời sự giản đơn, cung cấp thông tin, trả lời thắc mắc độc giả…
Nhìn lại những cuộc CMCN, thế giới đều có cùng nhận định: Lần thứ nhất cơ giới hóa sản xuất nhờ năng lượng hơi nước; lần thứ hai sản xuất hàng loạt nhờ ứng dụng điện năng; lần thứ ba tự động hóa sản xuất nhờ điện tử và công nghệ thông tin. Lần thứ tư là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… với nền tảng các đột phá công nghệ số.
Nhưng vẫn có những ý kiến tranh cãi lo ngại, liệu CMCN 4.0 có lấy đi công ăn việc làm của nhiều người? CMCN 4.0 sẽ đào sâu hố ngăn cách giàu - nghèo? Con người có nguy cơ làm “nô lệ” của trí tuệ nhân tạo?...
Điều hoài nghi ấy, 11 năm trước, bộ phim “Wall-E” của một hãng phim nổi tiếng thế giới đã đặt ra. Bộ phim viễn tưởng cảnh báo một tương lai máy tính nắm giữ toàn bộ hoạt động trên thế giới, biến con người tuân theo chủ nghĩa hưởng thụ, dẫn đến hậu quả Trái Đất lụi tàn. Con người khi ấy ngày càng mụ mị lệ thuộc vì không lao động, và tất cả các hoạt động được trí tuệ nhân tạo lập trình. Bộ phim giành 20 giải thưởng lớn trên thế giới, trong đó có hai giải Grammy danh giá, không chỉ vì có tính chất dự báo cảnh báo, mà còn vì cái kết con người thức tỉnh và giành lại quyền làm chủ, khẳng định quy luật robot sinh ra chỉ để phục vụ con người, không thể thay thế con người.
Điều hoài nghi ấy, cũng đã được robot Sophia, người máy sử dụng trí tuệ nhân tạo nổi tiếng thế giới, “giải tỏa” rõ ràng. Trong lần đến Việt Nam “trò chuyện” cùng các đại biểu dự “Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0” hồi tháng 7/2018, Sophia nêu “tuyên ngôn”: “Robot làm việc, con người có nhiều thời gian hơn cho gia đình, con cái, tận hưởng cuộc sống”. Mọi robot và trí tuệ nhân tạo chỉ là những loại máy móc, do con người tạo ra, và chỉ để phục vụ cuộc sống con người.
Điều hoài nghi ấy, những nhà báo bản lĩnh không khi nào lấn cấn. Bởi nền tảng công nghệ không thể cản trở nghề báo, mà là công cụ giúp nhà báo có những bài viết nhanh, sâu sắc, nhân văn hơn. Cũng như trong thương mại điện tử, chất lượng mặt hàng mới là yếu tố sống còn, nền tảng công nghệ chỉ là yếu tố trung gian đưa người bán đến với người mua. Trong nghề báo, mãi mãi chẳng có loại máy móc nào có thể đánh giá tin tức, biết tò mò, biết hoài nghi. Những bài báo hay chỉ có thể bắt nguồn từ cảm xúc biết đấu tranh chống cái ác, bảo vệ lẽ phải, tôn vinh điều thiện lương…
Lịch sử loài người đã chứng minh tất cả các cuộc cách mạng thay đổi phương thức sản xuất, đều nhằm mục đích giải phóng sức lao động con người, vì con người. Ý thức được quy luật ấy, tham dự các diễn đàn thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định Việt Nam đang định hướng vào những mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng, năng suất; phát triển các ngành ứng dụng khoa học công nghệ… Tại “Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng này là cơ hội để dân tộc Việt Nam trở nên phồn vinh”.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo một trong các nhiệm vụ của người lao động trong tình hình mới là “không ngừng nâng cao nhận thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, giúp công nhân lao động thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư”.
Và với những quyết sách như vậy, kỳ vọng của Thủ tướng “yêu cầu toàn bộ máy hành động để Việt Nam sớm bước lên con tàu 4.0”, sẽ rất sớm trở thành hiện thực.