Mỗi tỉnh chi thêm gần 1 tỷ
Cho rằng mẫu GPLX ban hành từ 1996 có quá nhiều bất cập, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) năm 2005 đã xây dựng “Đề án về đổi mới GPLX”. Chủ trương này sau đó đã thuyết phục được WB và nhận được sự đồng thuận tài trợ khoản tiền trị giá 1.080.000 USD từ định chế tài chính quốc tế này. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng cấp thêm 8 tỷ đồng để Tổng cục ĐBVN gộp lại triển khai đề án đổi mới mà họ cho là vô cùng cần thiết nói trên.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Quyền - người theo sát đề án này từ những ngày đầu - cho hay, khoản tiền WB tài trợ đã được giải ngân từ năm 2011 để trang cấp một hệ thống máy chủ quản lý dữ liệu đặt tại cơ quan Tổng cục và hơn 130 máy in GPLX (200 triệu đồng/máy) cùng nhiều máy ảnh kỹ thuật số và máy scan…
Năm 2012, với số tiền 8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, Tổng cục ĐBVN cũng đã tiến hành xong việc xây dựng phần mềm và tập huấn chuyển giao công nghệ cho các Sở GTVT trên toàn quốc tiến hành cấp, đổi GPLX công nghệ mới.
Chứng minh cho sự cần thiết của đề án trên, ông Quyền dẫn phóng viên đi tham quan Phòng quản lý dữ liệu trung tâm và cho biết, gian phòng này được đầu tư hơn 400.000 USD, bao gồm các server (máy chủ) và nhiều thiết bị phụ trợ liên quan, được đưa vào vận hành từ giữa năm 2012.
“Từ Trung tâm đầu não này, chúng tôi có thể kiểm soát, quản lý toàn bộ các thông tin về người lái, GPLX trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thông qua một hệ thống cơ sở dữ liệu mà cả nước tích hợp và truyền dẫn về đây”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Để triển khai chủ trương này, 63 Sở GTVT trên toàn quốc cũng đã đầu tư mỗi Sở một bộ thiết bị cấp, đổi GPLX và thiết bị truyền dẫn dữ liệu trị giá khoảng 700 triệu đồng. Như vậy, để hệ thống này hoạt động được, ngoài khoản “tiền Tây” trị giá hơn 1 triệu USD, Nhà nước còn phải chi thêm hàng chục tỷ đồng nữa.
“Đường” rộng, thưa “xe”?
Phía Tổng cục ĐBVN đến thời điểm này vẫn rất tự tin với hệ thống hạ tầng thiết bị đã được đầu tư phục việc triển khai đề án cấp, đổi GPLX theo công nghệ mới nhưng dư luận lo ngại: Nếu người dân không đồng thuận với việc đổi GPLX theo mẫu mới, thì Dự án quản lý cơ sở dữ liệu về GPLX mà WB đã tài trợ cho Việt Nam, trị giá hơn 1 triệu USD liệu có rơi vào cảnh “đường” rộng, thưa “xe” ?
Vì mục tiêu chính của đề án là quản lý dữ liệu, quản lý thông tin về GPLX, nhưng đến thời điểm này - tức là đã hơn một năm kể từ ngày chủ trương trên được thực hiện, số GPLX theo mẫu mới được cấp trên toàn quốc chỉ đạt con số 2,3 triệu (trong đó hơn 1,3 triệu là GPLX mô tô, còn lại là GPLX ô tô).
Trong khi đó, nguồn dữ liệu chính rất cần được đưa vào quản lý là hơn 33 triệu GPLX mà ngành GTVT đã cấp trong suốt gần 20 năm qua, thì lại phụ thuộc khá lớn vào quyết định từ phía người dân. Cụ thể, 90% trong số này là GPLX mô tô (hạng A1, A2, A3) và theo quy định thì GPLX mô tô là loại “có giá trị không có thời hạn”, có nghĩa là không phải đổi trừ khi nó bị rách nát hoặc mất, buộc phải xin cấp lại.
Đây quả là một rào cản rất lớn đối với mục tiêu hoàn thành việc đổi GPLX mô tô từ dạng giấy sang vật liệu PET vào năm 2020 như “kịch bản” mà Bộ GTVT “chủ động” đề cập trong Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT. Nhiều ý kiến cho rằng, những trở ngại này nếu không có cách “hóa giải” kịp thời, hợp lý thì chẳng khác nào việc bỏ ra khoản tiền lớn làm đường, nhưng cuối cùng chẳng có mấy người đi?.
Trước băn khoăn của dư luận, ông Nguyễn Văn Quyền nói: “Tại thời điểm này, chưa thể khẳng định dự án nói trên lãng phí hay không lãng phí. Điều có thể khẳng định ngay bây giờ là dự án được xây dựng với nhiều điểm khá ưu việt, giúp cho công tác quản lý phương tiện, người lái ngày một tốt hơn, đặc biệt là các dữ liệu về GPLX ô tô. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu hội nhập, như việc cấp đổi bằng lái liên quan đến người Việt ở nước ngoài...”.
Cho dù mục tiêu mà Tổng cục ĐBVN hướng đến là quản lý dữ liệu GPLX ô tô nhưng với hơn 30 triệu GPLX hiện đang còn giá trị, nếu người dân không đồng thuận với chủ trương đổi GPLX sang mẫu mới thì ngành GTVT liệu có đủ dữ liệu để tích hợp, quản lý?. Giả thiết nếu thiếu dữ liệu từ hàng chục triệu GPLX mô tô thì công suất thiết kế cho hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu này chắc sẽ dư thừa, lãng phí?.