Áp đặt
Từ tháng 7/2012, GPLX theo mẫu mới đã được cấp trên toàn quốc nhưng chỉ đối với những trường hợp cấp mới, cấp đổi. Đến thời điểm này, sau hơn một năm thực hiện, có hơn 2 triệu tài xế đã được cấp GPLX theo mẫu mới.
Bộ GTVT nhận thấy mẫu GPLX cũ được ban hành từ năm 1996 với công nghệ bảo mật thô sơ nên dễ bị làm giả, tẩy xóa, đặc biệt là bóc, dán thay ảnh người khác một cách dễ dàng.
Ngoài ra, do chất liệu bằng giấy nên trong quá trình sử dụng, tấm GPLX mẫu cũ gây phiền cho người sử dụng vì bị quăn mép, kích thước chưa chuẩn, khó cất vào ví, bóp… Những khiếm khuyết này đã được khắc phục trong mẫu GPLX mới bằng chất liệu PET (thẻ nhựa).
Ngoài công nghệ bảo mật đã sử dụng lâu nay trên GPLX cũ, mẫu mới còn tích hợp thêm 2 công nghệ bảo mật tiên tiến của châu Âu, lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, đó là mã hóa thông tin ẩn trên ảnh và một hình ảnh để ở các góc độ khác nhau thì cho ra hình khác nhau.
Với những công nghệ bảo mật mới này, việc tẩy xóa, thay ảnh là điều không thể, nên có thể hoàn toàn yên tâm chống lại nạn tài xế giả; chất liệu nhựa, kích thước chuẩn sẽ khiến người sử dụng thấy tiện hơn.
Công tác quản lý Nhà nước cũng sẽ có nhiều lợi ích từ tấm GPLX thông minh này. Mỗi người lái xe sẽ được ấn định một số GPLX duy nhất theo suốt các lần cấp đổi, cấp lại và khi số liệu, thông tin về lái xe được đưa vào hệ thống quản lý chung toàn quốc thì bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể nắm được lai lịch của người lái xe. Như thời điểm được cấp GPLX, số lần gây tai nạn, các lỗi vi phạm (nếu có)…
Đặc biệt, trên GPLX có thể hiện ngôn ngữ tiếng Anh để phù hợp với yêu cầu chung trong khu vực và quốc tế khi cần chuyển đổi GPLX của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Cũng vì có một hệ thống quản lý chung về các “bác tài” nên việc cấp đổi khi bị mất sẽ rút ngắn được khâu hỏi dữ liệu tại đơn vị cấp GPLX ban đầu và chỉ cần truy cập vào hệ thống là có dữ liệu chính xác.
Nếu cấp đổi ở nước ngoài, cũng có thể bỏ qua khâu hỏi kiểm tra thông tin tại Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài mà chỉ cần truy cập thẳng vào hệ thống là kiểm chứng được các thông tin về người cần đổi bằng lái….
Nhưng những tính năng mới của tấm GPLX chưa kịp làm người dân hài lòng thì đã rộ lên thông tin khiến người dân băn khoăn, đó là toàn dân phải đổi GPLX cũ với giá 135.000 đồng để sở hữu tấm GPLX theo mẫu mới.
Theo Thông tư 38/2013/TT- BGTVT của Bộ GTVT thì thời gian đổi được ấn định như sau: GPLX ô tô đổi trước 31/12/2014; GPLX hạng A4 trước 31/12/2015. Đối với GPLX mô tô, nếu cấp trước 2003, đổi trước 31/12/2016; cấp trước 2014, đổi trước 31/12/2017; cấp trước 2007, đổi trước 31/12/2018; cấp trước 2010, đổi trước 31/12/2019 và cấp sau 2010, đổi trước 31/12/2020.
Tốn hàng ngàn tỷ đồng
Nhiều người dân không đồng tình với lộ trình trên vì cho rằng thực chất đó là sự áp đặt vô lý từ cơ quan quản lý nhà nước khiến dân mất tiền không cần thiết. Cụ thể, một số ý kiến cho rằng, phí đổi GPLX 135.000 đồng là quá cao. Với hơn 30 triệu GPLX sẽ phải đổi trong thời gian tới nhân với số tiền phí nêu trên sẽ tốn khoảng hơn 4 ngàn tỷ đồng của người dân.
Không chỉ vậy, có người còn tính toán chi tiết hơn: “Ngoài tổng chi phí hơn 4 ngàn tỷ đồng, người dân còn mất thời gian để đi đổi. Mỗi người đi đổi mất cả ngày công mà mỗi ngày công bây giờ khoảng 100 ngàn đồng thì tính ra hơn 30 triệu người sẽ mất thêm hơn 3 ngàn tỷ đồng nữa…”.
Lo ngại sự lãng phí không nhiều đối với đối tượng lái xe ô tô vì GPLX ô tô đều có thời hạn. Nhưng trăn trở nhất rơi vào những trường hợp sử dụng xe máy vì GPLX mô tô không thời hạn. Đã được sử dụng vô thời hạn thì việc phải đem ra đổi là một sự ép buộc.
Ông Nguyễn Văn Hóa (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “GPLX cũ hay mới thì đều phải có giá trị sử dụng như nhau vì đều được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, dựa trên các quy định hiện hành, không vì lý do gì lại bắt phải đổi cái mới trong khi cái cũ không vi phạm luật.Việc này gây hao tổn, lãng phí cho người dân lẫn Nhà nước, nhất là loại GPLX mô tô”.
Nhân việc cấp mẫu mới GPLX, người ta lại liên hệ việc cấp mẫu mới chứng minh nhân dân (CMND) từng làm “nóng” công luận cách đây hơn một năm. Chỉ có điều, việc cấp CMND mẫu mới cao nhất chỉ 70.000 đồng; chủ trương cũng linh hoạt, phù hợp hơn, đó là chỉ cấp mẫu mới đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, còn những CMND đã cấp theo mẫu cũ vẫn được sử dụng song hành.
Nhãn tiền một số chủ trương với mục đích để thuận lợi cho quản lý nhà nước thì đều phải tính đến lợi ích của người dân trên hết, chẳng hạn như: chưa phạt người đội mũ bảo hiểm giả mà chỉ phạt người kinh doanh, sản xuất; chưa vội phạt người sử dụng xe không chính chủ mà tạo điều kiện, hạ lệ phí để họ làm thủ tục chính chủ... Tại sao ngành Giao thông lại đặt mục tiêu quản lý lên trên hết mà không tính đến chuyện người dân phải mất tiền vô lý như vậy?.
Phương án nhiều người thấy hợp lý hơn cả là chỉ nên cấp mẫu mới đối với GPLX cấp mới, đổi và những người có nhu cầu chứ không nên ép buộc tất cả. “Nếu vì nhu cầu quản lý mà cơ quan chức năng yêu cầu tất cả mọi người đều phải đổi GPLX sang thẻ nhựa thì phải tính việc đổi miễn phí hoặc hạ thấp phí cho người dân...?. Nên làm từng bước, từ bây giờ trở đi chỉ cấp GPLX loại mới, chưa nên đặt ra thời hạn đổi GPLX, sẽ gây tốn kém không đáng có”, ông Phạm Thắng (Ba Đình, Hà Nội) đề xuất.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Buộc phải đổi là không hợp lý
- Quy định tại Quyết định số 1207/QĐ-BGTVT ngày 29/5/2012 rõ ràng đã mâu thuẫn với quy định tại Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT. Trong khi Quyết định số 1207/QĐ-BGTVT cho phép tồn tại song song hai loại mẫu GPLX cũ và mới thì Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT lại dứt điểm “khai tử” những GPLX cũ thông qua việc ấn định thời hạn buộc các chủ GPLX phải xin cấp đổi, cấp mới GPLX theo mẫu mới.
Việc bắt buộc cấp đổi GPLX trong thời gian ấn định sẽ gây sự lãng phí về tiền bạc và thời gian cho người sử dụng, đồng thời cũng gây lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước.
GPLX cũ do cơ quan Nhà nước cấp vẫn có hiệu lực pháp luật, chỉ có sự khác biệt nhỏ về chất liệu mà điều này lại không ảnh hưởng đến nội dung của GPLX thì việc bắt buộc phải đổi là không hợp lý.
Do đó, thay vì buộc hàng triệu người phải đi thực hiện thủ tục hành chính phức tạp, cơ quan ban hành văn bản chỉ cần sửa đổi, đính chính đối với văn bản đó sẽ vừa phù hợp với Quyết định do chính mình ban hành lại vừa tiết kiệm được hàng tỷ đồng cho người dân và ngân sách Nhà nước.