Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh cho biết, sự phát triển quá nhanh số lượng cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên dạy lái. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên rất thấp, thậm chí chưa có nghề nào thành giáo viên nhanh như nghề đào tạo lái xe, chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, có chứng chỉ sư phạm, qua một lớp tập huấn của Bộ GTVT và có bằng lái xe là trở thành giáo viên đào tạo lái xe.
Theo ông Nguyễn Vi Tùng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe ô tô số 8 (Hà Nội), cần phải gắn quy hoạch vùng miền với công tác xã hội hóa đào tạo lái xe. Ông Tùng nêu ví dụ, nếu Hà Nội có bao nhiêu dân thì cần có bao nhiêu trung tâm đào tạo là vừa chứ không thể phát triển một cách ồ ạt.
Trước nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt câu hỏi: các trung tâm sát hạch lái xe có tiêu cực không? Rồi ông này nêu ví dụ: Không biết đào tạo, sát hạch như thế nào mà trong vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai, lái xe đã cài số 0 khi xuống dốc. Vụ tai nạn ở Khánh Hòa cũng thế, cài số 0 để xuống dốc. Vụ ở Lai Châu thì cho đến 5 người ngồi trong cabin, chật chội thế làm sao lái xe được, rồi ngồi trong tù vẫn được đổi giấy phép lái xe.
Để chấn chỉnh tình trạng ồ ạt đào tạo lái xe như hiện nay, chậm nhất trong quý I/2014, Bộ GTVT sẽ phê duyệt Quy hoạch tổng thể các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Bộ GTVT cũng sẽ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem lại, rà soát lại Luật Dạy nghề, trong đó cụ thể vấn đề dạy nghề lái xe.
“Chúng ta phải rà soát loại quy chuẩn, tiêu chuẩn các trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe; tiếp tục rà soát chương trình đào tạo, nội dung đào tạo làm sao với mục tiêu đào tạo ra người lái xe hiểu biết về pháp luật và có kỹ năng lái xe chứ không phải đào tạo ra người có bằng lái mà không biết lái hoặc không dám lái xe” - ông Thăng nhấn mạnh.