Tướng Mỹ kinh ngạc trước tiến bộ về công nghệ không gian quân sự Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/11, Trung tướng Nina Armagno thuộc Lực lượng Không gian Mỹ đánh giá, việc năng lực quân sự của Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với uy thế của Mỹ trong không gian vũ trụ.
Trung Quốc đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển công nghệ không gian quân sự, dần thách thức uy thế của Mỹ trong không gian vũ trụ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Global Times)
Trung Quốc đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển công nghệ không gian quân sự, dần thách thức uy thế của Mỹ trong không gian vũ trụ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Global Times)

Tại một sự kiện ở Sydney do Viện Chính sách Chiến lược Australia - tổ chức nghiên cứu do chính phủ Mỹ và Australia tài trợ một phần, bà Armagno khẳng định Bắc Kinh đã đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển công nghệ không gian quân sự, bao gồm các lĩnh vực như thông tin liên lạc vệ tinh và tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, giúp các quốc gia nhanh chóng mở rộng quy mô chương trình không gian.

Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt qua chúng tôi. Họ đạt được tiến bộ nhanh chóng đến kinh ngạc”.

Tuy “chậm chân” trong cuộc chạy đua vào không gian do Mỹ và Nga thống trị, Bắc Kinh đã tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua. Đây là điều đáng báo động đối với Washington và các quốc gia phương Tây khác.

Theo bà Armagno, Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có tất cả những ý định như định hình lại trật tự quốc tế và tăng cường sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu”.

Bà cũng cho biết, cùng với Nga, Trung Quốc cũng đã thử các tên lửa và gây ra nhiều mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian những năm gần đây, đe dọa tất cả các hệ thống của Mỹ trong không gian - những hệ thống quan trọng đối với lợi ích an ninh, kinh tế và khoa học của tất cả các quốc gia.

Ye Peijian, người đứng đầu Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc đã so sánh Mặt Trăng và Sao Hỏa tựa như các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đang nỗ lực phát triển công nghệ thử nghiệm nhằm khai thác các tiểu hành tinh cũng như các hành tinh nhỏ để lấy tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi đó, vào tuần trước, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã nỗ lực tìm cách đưa các sứ mệnh của Liên minh châu Âu (EU) vào vũ trụ, sau khi Nga rút tên lửa đẩy Soyuz để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.

Ngày 22/11, Đức, Pháp và Italy đã nhất trí với kế hoạch phát triển các hệ thống tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane 6 và Vega-C. Đây là động thái thể hiện sự ưu tiên của EU cho công tác phát triển tên lửa đẩy, sau khi hồi tháng 8, ESA phải tiến hành đàm phán với tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tập đoàn SpaceX của Mỹ, để thực hiện 2 sứ mệnh khoa học trong tương lai.

Hiện nay, kế hoạch ngân sách trị giá 3,2 tỷ Euro (tương đương 3,3 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và trình làng các tên lửa đẩy của châu Âu được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Trong khi đó, ESA đang đề nghị các nước thành viên đóng góp 18,5 tỷ Euro để tài trợ cho những chương trình nghiên cứu không gian trong 3 năm tới, tăng hơn 25% so với số tiền trước đó.

Theo Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher, mặc dù ngành công nghiệp vũ trụ hiện có giá trị khoảng 340 tỷ Euro, song con số này sẽ lên đến khoảng 1.000 tỷ Euro vào năm 2040. Theo đó, các quốc gia thành viên đều có thể thu được lợi ích kinh tế to lớn từ việc đóng góp tài chính cho những chương trình không gian vũ trụ này.

* Tiêu đề do Báo Pháp luật Việt Nam đặt lại