Tuyên án vụ lừa đảo hàng trăm tỷ chấn động miền Tây

(PLO) - Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy bản án sơ thẩm của TAND TP Cần Thơ có nhiều sai sót về việc định tội danh và trách nhiệm dân sự của các bị cáo nên quyết định hủy một phần án sơ thẩm; chấp nhận một phần kháng cáo, kháng nghị của các bị cáo và VKS trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH An Khang.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Vụ vừa đảo lớn nhất miền Tây
Theo cáo trạng, Cty An Khang được thành lập vào năm 2004 do ông Nguyễn Hồng Quân làm Giám đốc. Năm 2009, ông Quân giao  cho Nguyễn Thị Thu Sương (con ruột ông Quân) làm Phó giám đốc, điều hành mọi hoạt động của công ty.
Do hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nên ông Quân và Sương đã phải thế chấp tất cả bất động sản của công ty và cá nhân, vay tiền các ngân hàng duy trì hoạt động của công ty, đồng thời tiêu xài cá nhân. Để thanh toán lãi cho ngân hàng, Sương đã vay nợ của nhiều cá nhân bên ngoài. Và để thanh toán nợ bên ngoài, Sương đã thế chấp tất cả hàng hóa tồn kho và tài sản hình thành trong tương lai. 
Khi đã mất khả năng cân đối thu-chi, Sương đã lập khống chứng từ hàng hóa xuất nhậu khẩu để tiếp tục vay tiền các ngân hàng, lấy tiền thanh toán cho các khoản vay trước và tiêu xài cá nhân. Từ năm 2010-2011, Sương cùng ông Quân chỉ đạo các nhân viên là Hồ Thanh Bình, Nguyễn Văn Thuận, Lê Thanh Phong và Nguyễn Cao Hoa Anh Đào đã lập khống 44 hồ sơ chứng từ hàng hóa nhập khẩu chiếm đoạt đem đi thế chấp tại: Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam để vay số tiền hơn 140 tỷ đồng và trên 6,4 triệu USD, qua đó chiếm đoạt trên 105 tỷ đồng và gần 4,4 triệu USD.
Bản án sơ thẩm ngày 17/1/2015 đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên cán bộ ngân hàng, người trực tiếp chủ mưu trong vụ lừa đảo) 20 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo khác là nguyên cán bộ Công ty An Khang gồm Hồ Thanh Bình, Nguyễn Văn Thuận, Lê Thanh Phong bị phạt 3 năm tù giam; Nguyễn Hồng Quân và Nguyễn Cao Hoa Anh Đào 2 năm tù treo vì tội “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. 
Ngoài ra, 8 bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng cũng bị truy tố về tội danh “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” phải lãnh các mức án từ 3 năm đến 10 năm tù giam. 
Các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng được chuyển tội danh
Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, nguyên cán bộ của các ngân hàng gồm Trần Thị Phương, Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Thị Mai, Lâm Chí Công và Nguyễn Cao Hoa Anh Đào (nguyên cán bộ Công ty An Khang) đã có đơn kháng cáo xin chuyển đổi tội danh nhẹ hơn, giảm hình phạt hoặc được hưởng án treo. Đại diện Ngân hàng Công thương cũng có đơn kháng cáo về trách nhiệm dân sự của các bị cáo đối với ngân hàng mà án sơ thẩm đã tuyên là không hợp lý.
Bên cạnh đơn kháng cáo của các bị cáo, VKSND TP Cần Thơ cũng có kháng nghị chuyển đổi tội danh theo hướng nặng hơn đối với các bị cáo: Hồ Thanh Bình, Lê Thanh Phong, Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Cao Hoa Anh Đào từ tội danh “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Qua xét xử phúc thẩm, tranh luận của VKS và các luật sư,  Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm cho rằng, qua xem xét hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo Đào, Bình, Phong, Thuận mặc dù đã ý thức được hành vi phạm tội của mình nhưng lại bỏ mặc những hậu quả xảy ra, đã cố tình tiếp tay, góp sức cho Sương thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. 
Hành vi của các bị cáo mang tính chất đồng phạm, đủ cơ sở để cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì thế, HĐXX Cấp cao đồng ý với kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ, chuyển đổi tội danh, truy tố các bị cáo Đào, Bình, Phong, Thuận tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc HĐXX Cấp cao không chấp nhận kháng cáo của Đào xin giảm nhẹ hình phạt.
Đối với đơn kháng cáo của các bị cáo Thị Phương và Hoài Phương (nguyên cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam), Minh, Công, Mai (nguyên cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực phía Nam), HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo.
Riêng đối với các bị cáo Mai, Minh, Công, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm tuyên là chưa đúng tội danh so với hành vi phạm tội của các bị cáo. Các bị cáo đã không đánh giá, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ cho vay là trái với quy định cho vay, có đủ cơ sở để cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vấn đề trách nhiệm dân sự của các bị cáo với các ngân hàng mà bản án sơ thẩm đã tuyên cũng không hợp lý, vì thế, HĐXX quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, giao hồ sơ lại cho VKSND TP Cần Thơ thụ lý lại. 
Liên quan đến vụ lừa đảo, giữa tháng 9/2015, Thanh tra VKSNDTC có văn bản yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xem xét xử lý đối với nhiều cá nhân là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của VKSND TP Cần Thơ./.

Đọc thêm