Tuyến đường tránh gần 800 tỷ nhiều năm “dang dở” tại phía Nam TP Bảo Lộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, đã thi công được 70%, tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) từng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thế nhưng, vì vướng mắc cơ chế tài chính, dự án “dang dở” nhiều năm nay.
Tuyến đường gần 800 tỷ đã hoàn thiện 70% nhưng đành “dang dở”.
Tuyến đường gần 800 tỷ đã hoàn thiện 70% nhưng đành “dang dở”.

Tuyến đường dang dở

“Khi nghe làm đường, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhanh nhất, hy vọng tuyến đường tránh sẽ thông thoáng, vừa đi lại thuận lợi, có cơ hội kinh doanh. Vậy mà chờ đợi đến giờ vẫn chưa xong, nền đường xuống cấp, xe cộ qua lại gặp nạn liên tục, quán xá mở ra cũng vắng khách”, bà Nguyễn Thị Nguyên (61 tuổi, ngụ phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), nói.

Dự án tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc tổng chiều dài 15,6km, điểm đầu tại xã Lộc Châu, điểm cuối xã Lộc Nga, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, khởi công từ tháng 2/2017. Dự án được đề xuất, triển khai từ nguồn vốn dư của dự án nâng cấp, cải tạo QL20 qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, BQL dự án 7 được Bộ GTVT giao là đại diện cơ quan nhà nước thẩm quyền, Cty CP BT20 là chủ đầu tư dự án.

Theo báo cáo của Sở GTVT, dự án đã thi công được 70% khối lượng gồm các hạng mục nền đường, móng đường đá dăm, hệ thống thoát nước… Từ tháng 10/2020 đến nay, dự án thiếu vốn nên tạm dừng thi công, chờ bổ sung vốn theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Theo thiết kế, tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, mục đích giảm tải cho QL20 qua trung tâm Bảo Lộc, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời điểm khởi công, hàng nghìn hộ dân vui mừng đặt nhiều kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng tiến độ trong năm 2019.

Khảo sát dọc tuyến đường, PV ghi nhận ở những đoạn đường hoàn thành cơ bản, phương tiện lưu thông thuận lợi, góp phần giảm tải cho QL20 đoạn qua Bảo Lộc. Tuy nhiên, do để chờ quá lâu, nhiều đoạn mặt đường hư hỏng, xuống cấp, có đoạn tạo thành rãnh sâu giữa lòng hơn hơn 30cm như những chiếc “bẫy” người tham gia giao thông. Nhiều đoạn đã, đang có hiện tượng sạt lở bờ ta luy, nhất là trên đoạn đường khoảng 5km chưa thi công xong mặt đường. Nhiều vị trí cống ngang, ta luy âm chưa thi công hàng rào hộ lan. Tại những đoạn giao nhau với các tuyến đường đang sử dụng, từ mặt đường này sang đường kia như những bậc thang, xe tải lớn mỗi lần đi qua phải “nghiêng mình”, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Tuyến đường tránh xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”.

Tuyến đường tránh xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”.

Dù tuyến đường chưa hoàn thành nhưng hiện đã có nhiều người dân, đơn vị xây dựng nhà cửa, sinh hoạt, kinh doanh dọc tuyến đường nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn người và phương tiện trên toàn tuyến.

Theo báo cáo của BQL dự án 7 gửi Sở GTVT ngày 28/3/2023, đơn vị này kiến nghị các cơ ban, ban ngành địa phương cần tuyên truyền để người dân không lưu thông trên tuyến đường chưa được bàn giao. Cũng theo BQL dự án 7, hiện có nhiều hộ dân tự ý đào đất, san nền, xây dựng nhà cửa trong phạm vi phần đất của đường bộ và đất thuộc hành lang an toàn đường bộ, vi phạm nghiêm trọng việc bảo vệ kết cấu các công trình xây dựng dự án.

Dù các đơn vị đã cắm biển báo, lắp đặt barie rào chắn tại một số vị trí nguy hiểm nhưng bị tháo gỡ, phá bỏ dẫn tới việc phương tiện lưu thông vào tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Mới đây nhất, ngày 23/3/2023, một người đàn ông điều khiển ô tô chở theo cháu ngoại 4 tuổi “bay” khỏi cầu NauSri, rơi xuống vực sâu khiến hai ông cháu tử vong, xe biến dạng.

Vướng mắc cơ chế tài chính

Năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Thủ tướng xin bổ sung tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc theo hình thức BT. Bộ GTVT thống nhất và đề nghị Lâm Đồng hỗ trợ phần vốn còn thiếu từ vốn ngân sách tỉnh trong trường hợp thiếu vốn. Tỉnh sau đó thống nhất sẽ hỗ trợ và phối hợp Bộ GTVT để thực hiện dự án. Ngày 10/7/2015, Thủ tướng có văn bản đồng ý với đề xuất của Lâm Đồng, Bộ GTVT. Đến năm 2019, 2020, Bộ GTVT có văn bản thống nhất đề nghị Lâm Đồng hỗ trợ 183,88 tỷ đồng.

Tháng 10/2020, trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ số tiền như đề xuất của Bộ GTVT, cần ưu tiên bố trí vốn để công trình sớm được bàn giao, đi vào hoạt động. BQL dự án 7 cũng kiến nghị Sở GTVT kiến nghị tỉnh Lâm Đồng phối hợp chủ đầu tư có văn bản gửi Bộ GTVT sớm có phương án bố trí vốn để thi công trở lại dự án. Nhưng đến nay dự án vẫn “dang dở”.

Nhiều hạng mục để lâu bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.

Nhiều hạng mục để lâu bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.

Nói về vướng mắc dự án, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, từ 2015 đến nay, Luật Ngân sách nhà nước đã thay đổi rất nhiều. Bởi vậy, khi dự án bị đình trệ do thiếu phần vốn bổ sung của tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua việc bố trí vốn trung hạn để hoàn thành nốt dự án.

Nhưng khi báo cáo với Chính phủ, theo Bộ Tài chính và Bộ GTVT, theo Luật Ngân sách, các phần vốn của địa phương và Trung ương không thể hòa với nhau trong dự án thi công các tuyến QL do đã được phân cấp đầu tư. Hiện UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị phương án tháo gỡ. Lý giải của lãnh đạo Sở GTVT, có thể hiểu đơn giản rằng vốn ngân sách địa phương không thể dùng đề đầu tư dự án của Trung ương.

Mới đây nhất, ngày 18/4/2023, UBND tỉnh có Văn bản 3451/UBND-GT đề nghị Bộ GTVT tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết nguồn vốn hoặc huy động nguồn vốn khác để triển khai thi công dự án và hoàn thành trong năm 2023.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Bảo Lộc thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng dọc tuyến đường; nghiêm cấm mở đường ngang đấu nối trái phép vào đường tránh; tuyên truyền, vận động người dân dọc tuyến không lấn chiếm, không tự ý đào, bạt mái taluy, san lấp mặt bằng… làm ảnh hưởng tới công trình phòng hộ, công trình thoát nước và các hạng mục khác.

Đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc là một dự án quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Lâm Đồng. Hiện tất cả các phương tiện giao thông đều phải đi trên QL20, đoạn chạy qua các tuyến phố trong nội đô TP Bảo Lộc, gây ùn tắc và mất ATGT. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh để các hạng mục đã đầu tư tiếp tục xuống cấp, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước cũng như bảo đảm ATGT cho nhân dân địa phương…

Đọc thêm