Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 35/138 xã, phường, thị trấn được xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu được xây dựng rời rạc theo từng xã, phường nên khó khăn trong quá trình triển khai vận hành.
Trên thực tế, việc quản lý đất đai yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn tới các khiếu nại và các vi phạm về đất đai. Tỉnh Tuyên Quang cũng xác định đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng và có giới hạn. Tài nguyên đó chỉ phát huy kết quả tốt, nếu những người làm công tác quản lý đất đai quản lý tốt.
Theo đó, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) chi nhánh Tuyên Quang triển khai sử dụng thử nghiệm phần mềm VNPT-iLIS trong quản lý dữ liệu đất đai.
Sau gần một năm đưa vào dùng thử nghiệm, phần mềm này đã thực hiện quản lý dữ liệu đất đai, thông tin của hơn 92.000 thửa đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và một số xã thuộc huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Trong đó, trên 46.800 thửa đất lên dữ liệu không gian và gần 47.000 thửa đất lên dữ liệu thuộc tính.
Việc áp dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu đất đai, tạo rất nhiều thuận lợi cho cán bộ địa chính trong việc quản lý, tra cứu thông tin về quy hoạch, trích đo, hiện trạng loại đất của người dân. Từ đó, giảm thiểu thời gian và nhân lực trong việc xác minh, xác thực và quản lý hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Đức Mạnh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện trang thông tin điện tử tổng hợp của Sở có số lượt truy cập đạt trên 203.000 lượt/tháng, được sử dụng hiệu quả trong việc công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, các tài liệu, văn bản thuộc danh mục phải công khai”.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố chứng kiến lễ ký kết quy chế phối hợp, trong việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất (Ảnh: Thanh Tùng) |
Nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Trong tháng 9 vừa qua, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố trong việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Theo đó, các bên sẽ phối hợp thực hiện, tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả; đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, gồm các nội dung như: thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu, thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận khi Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…, và nhiều thủ tục hành chính khác.
Tỉnh thực hiện quy chế phối hợp quy định trên nguyên tắc, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch trong việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Với những đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý đất đai, tỉnh Tuyên Quang đang từng bước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai.