Tuyên Quang nỗ lực đạt mục tiêu thu ngân sách trên 4.000 tỷ đồng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu ngân sách Nhà nước đạt trên 4.000 tỷ đồng. Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu.
Các hoạt động du lịch, lễ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương (Ảnh: Thanh Tùng)
Các hoạt động du lịch, lễ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương (Ảnh: Thanh Tùng)

Năm 2020 tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt 2.276,6 tỷ đồng, năm 2021 là hơn 2.443 tỷ đồng và năm 2022 là hơn 2.662 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, năm thứ 32 liên tục Tuyên Quang hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Bộ Tài chính giao và là năm thứ 21 liên tục thu ngân sách vượt dự toán kế hoạch năm. Phần lớn các khoản thu đều đạt và vượt dự toán được giao.

Để có được kết quả này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hằng năm.

Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước của tỉnh là 3.200 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2022. Đây cũng là năm có tốc độ tăng thu cao nhất từ khi thực hiện Luật ngân sách Nhà nước 2015 đến nay (tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 10,7%).

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song thực tế tiến độ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, nguồn thu hạn hẹp, tỷ trọng thu trên địa bàn đáp ứng nhiệm vụ chi còn thấp, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu luôn đạt thấp và có xu hướng giảm.

Để đạt được mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là 3.200 tỷ đồng đòi hỏi quyết tâm lớn cũng như những giải pháp cụ thể, tích cực của tỉnh, các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.

Để đạt được mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là 3.200 tỷ đồng đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn tỉnh (Ảnh: Lê Hanh)

Để đạt được mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là 3.200 tỷ đồng đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn tỉnh (Ảnh: Lê Hanh)

Theo đó, để tăng thu cho ngân sách địa phương, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo các ngành, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; đẩy nhanh các dự án đầu tư sớm hoàn thành đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Đặc biệt, tỉnh quyết liệt vào cuộc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nói chung và ngành Thuế nói riêng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử. 100% doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Tỉnh cũng chú trọng công tác giám sát kê khai, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ chức các hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách; thực hiện kịp thời và đúng quy định về miễn, giảm, hoàn thuế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp quản lý chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online.

Tỉnh cũng tiếp tục triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” tạo hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích và tạo thói quen cho người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống gian lận, thất thu thuế.

Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với ngành Thuế rà soát chi tiết các nguồn thu, để kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp tăng thu đối với các khoản thu bù đắp; tăng cường quản lý thu đối với một số khoản phí.

Các huyện, thành phố cần phải tập trung cao độ để hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã được UBND tỉnh giao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị trong khối tài chính của tỉnh, công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đọc thêm