Tuyên Quang tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

(PLVN) - Tỉnh Tuyên Quang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tàu khai thác khoáng sản trên sông Lô tại khu vực TP Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)
Tàu khai thác khoáng sản trên sông Lô tại khu vực TP Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 200 mỏ, điểm mỏ và 86 điểm khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng sản, gồm nhiều khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như: quặng sắt, barit, kẽm...

Nguồn lợi từ rừng và khoáng sản đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng tại Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Nguồn lợi từ rừng và khoáng sản đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng tại Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định, dẫn đến thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Điển hình như tình trạng khai thác khoáng sản và khai thác cát, sỏi tại địa phương trên địa bàn có khu vực sông Lô chảy qua, một số đơn vị đã vi phạm ranh giới được cấp phép khai thác, vi phạm giờ khai thác....

Mới đây, UBND huyện Sơn Dương đã ban hành công văn 2100/UBND-TNMT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, cát sỏi trên địa bàn huyện.

Trước đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số xã có tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản như Vĩnh Lợi, Quyết Thắng, Đông Thọ, Trường Sinh, Hồng Lạc, Thiện Kế, Tân Thanh, Hợp Hòa… đặc biệt là về khai thác cát sỏi.

Theo các chuyên gia về môi trường, hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi trái phép gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn.

Để tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, đảm bảo khoáng sản được khai thác an toàn, đúng quy định, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm.

Riêng trong năm 2023, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 16/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 19/4/2022 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 488-TB/TU ngày 12/5/2022, thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh cũng phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành việc khoanh định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Tổ chức thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản, đảm bảo việc khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm, phục vụ hiệu quả cho phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản tại địa bàn.

Để hoạt động khai thác khoáng sản đi vào quy củ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành, kiểm soát quản lý tài nguyên khoáng sản nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản nói riêng luôn được tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo sát sao, có hiệu quả. Qua đó, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Đọc thêm