300 ngàn thí sinh thay đổi nguyện vọng
Theo kế hoạch, từ ngày 28 đến ngày 30/7, Bộ GD&ĐT tiến hành lọc hồ sơ “ảo” toàn quốc. Liệu các trường ĐH có lọc được thí sinh “ảo” như đã từng xảy ra trong các mùa tuyển sinh trước vẫn là câu hỏi được dư luận quan tâm. Bởi lẽ quy chế tuyển sinh năm 2017 cho phép thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng nên tỷ lệ thí sinh “ảo” sẽ rất lớn. Để giải quyết bài toán thí sinh “ảo”, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường thông qua phần mềm lọc hồ sơ “ảo”.
Theo dự kiến, việc lọc thí sinh “ảo” toàn quốc của Bộ GD&ĐT diễn ra từ ngày 28 đến 30/7. PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển phía Bắc với 56 trường ĐH cho biết: Mấy tuần nay, phần mềm lọc “ảo” của nhóm đang chạy các dữ liệu về danh sách giả định, nguyện vọng giả định như một cuộc “tập trận”. Hiện nay, phần mềm này chạy tương đối tốt và ổn định. Đặc biệt, với kỳ tuyển sinh năm nay, các trường được giao quyền tự chủ rất lớn nên cách thức hoạt động của các trường trong nhóm xét tuyển phía Bắc do ĐH Bách Khoa chủ trì rất khác so với nhóm GX năm ngoái. Trong đó, các trường sẽ cùng chia sẻ thông tin, cùng lọc “ảo” với nhau.
Cũng theo PGS.TS Trần Văn Tớp, việc cả nước có hơn 300 ngàn thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác lọc “ảo” và xác định điểm chuẩn của các trường. Về nguyên tắc, mặt bằng điểm của thí sinh năm nay cao thì điểm chuẩn vào các trường ĐH sẽ cao. Tuy nhiên, nhiều thí sinh có tâm lý sợ một ngành nào đó của một trường ĐH top trên năm nay điểm chuẩn sẽ tăng cao nên chuyển sang học ngành ở trường thấp hơn thì điểm chuẩn vào ngành của trường top trên có thể thấp hơn năm 2016.
Nhóm xét tuyển miền Bắc gồm những trường ĐH trải dài từ trường ở mức trung bình đến những trường top trên. Một số trường ĐH top giữa sẽ có những ngành lấy thí sinh ở mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định nhưng cũng có ngành lấy điểm cao. Trong khi đó, những trường ĐH ở top trên có những ngành lấy điểm rất cao (tiệm cận đến 27 điểm cho 3 môn thi) nên rất khó có thể phán đoán về điểm chuẩn vào các trường ĐH trong nhóm xét tuyển miền Bắc. Việc xác định điểm chuẩn vào nhóm phụ thuộc rất nhiều vào phổ điểm thí sinh đạt được, số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành của các trường ĐH. Thế nhưng, với quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh có cơ hội được chọn lựa trường ĐH trên một dải điểm rộng.
Hiện nay, phần mềm lọc “ảo” mà ĐH Bách khoa đang sử dụng thực chất là phần mềm vừa xét tuyển, vừa lọc “ảo”. Khi thí sinh đăng ký vào ngành của một trường nào đó, phần mềm sẽ tự động lấy điểm từ phía trên xuống, nếu không vướng điều kiện gì thì coi như thí sinh trúng tuyển.
Mặc dù thí sinh không chỉ đăng ký nguyện vọng tại một trường mà còn đăng ký nguyện vọng ở các trường khác nên phần mềm sẽ phải tiếp tục lọc “ảo”. Ví dụ, thí sinh A vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội vừa vào ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng. Nếu thí sinh A ưu tiên nguyện vọng 1 ở ĐH Bách khoa Hà Nội thì lập tức phần mềm loại 2 nguyện vọng còn lại.Tuy nhiên, việc lọc hồ sơ “ảo” chỉ thực hiện được với những thí sinh cùng đăng ký vào các trường nằm trong nhóm, còn đối với các thí sinh đăng ký thêm trường ngoài nhóm, việc lọc “ảo” sẽ không triệt để. Đơn cử đối với những thí sinh tham gia xét tuyển khối ngành quân đội, công an thì phần mềm không lọc được. Khi đó, phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ giúp các trường tiếp tục lọc “ảo”.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhiều khả năng các nhóm trường xét tuyển miền Bắc sẽ được tiếp xúc với dữ liệu khối ngành quân đội và công an và một phần thí sinh miền Trung. Nếu tiếp cận được dữ liệu tuyển sinh của những thí sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế ra miền Bắc học thì việc lọc hồ sơ “ảo” của nhóm sẽ còn hiệu quả hơn. Ông Trần Văn Tớp cũng chia sẻ, chiều 30/7, 56 trường của nhóm ĐH xét tuyển miền Bắc sẽ cùng ký một biên bản dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trước khi gửi lên Bộ GD&ĐT. Ngày 31/7, sau khi lọc thí sinh “ảo” lần cuối cùng xong, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp danh sách thí sinh trúng tuyển cho các trường. Sau đó, Hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH trong nhóm sẽ công bố trúng tuyển cũng sẽ được công bố trên các website của tất cả 56 trường ĐH trong nhóm xét tuyển miền Bắc nên thí sinh chỉ cần truy cập vào website của một trường ĐH là có thể biết mình đỗ vào trường nào. Còn nếu các em thấy không có tên trong danh sách trúng tuyển thì coi như không đỗ vào bất kỳ trường nào ở trong nhóm.
Điểm chuẩn các trường top đầu sẽ cao hơn?
Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, theo ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường sau điều chỉnh nguyện vọng tăng khoảng 1.200; số đăng ký nguyện vọng 1 tăng gần 4.000; tuy nhiên, tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường vẫn không thay đổi nhiều (khoảng 79.000 hồ sơ). Do thi THPT quốc gia năm nay của thí sinh tốt hơn năm 2016, trong khi đó, chỉ tiêu vào trường vẫn giữ nguyên nên nói chung điểm chuẩn dự kiến sẽ không thấp hơn năm 2016.
Tại Trường ĐH Thủy lợi, số hồ sơ sau điều chỉnh nguyện vọng tăng khoảng 1.000. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH & sau ĐH cho biết, dù lượng hồ sơ tăng nhưng số thí sinh đạt điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT trở lên không thay đổi nhiều so với trước. Dự kiến về điểm chuẩn, một số ngành học vào Trường ĐH Thủy lợi năm nay sẽ lấy bằng điểm sàn, riêng một số ngành hot của trường, điểm trúng tuyển có thể không thay đổi so với năm 2016, cụ thể là ngành Công nghệ thông tin, Kế toán và Quản trị kinh doanh. Dự kiến, ngày 31/7, Trường ĐH Thủy lợi sẽ công bố điểm chuẩn, cùng với 56 trường thuộc nhóm xét tuyển miền Bắc.
Tuy nhiên, với các trường top đầu điểm chuẩn sẽ khá cao. Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Nguyễn Thu Hương cho biết, điểm chuẩn vào trường năm nay dự kiến tăng so với năm 2016 do lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường tăng gấp đôi, phổ điểm thi cũng cao hơn. Theo thống kê sơ bộ, số hồ sơ đăng ký vào trường hơn 14.000, trong khi chỉ tiêu là 3.750, gồm 2.850 ở cơ sở miền Bắc và 900 miền Nam. Do đó, xu hướng tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả ngành, tổ hợp xét tuyển. Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội thấp nhất là 23,45 (tổ hợp D02), cao nhất là 26,45 (tổ hợp A00). Tại cơ sở TP HCM, mức điểm chuẩn thấp nhất là 24,5 (tổ hợp D01, A01) và cao nhất là 26,5 (tổ hợp A00).
ĐH Y Hà Nội có hơn 600 hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào ngành Bác sĩ đa khoa, không thay đổi nhiều so với số đăng ký từ trước. 450 trường hợp là nguyện vọng 1. Các thí sinh này đều đạt trên 29,25 điểm ở các tổ hợp xét tuyển. Được biết, điểm chuẩn vào Y đa khoa năm 2017 có thể nhích lên và không thể thấp hơn năm trước là 27 điểm. ĐH Y Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu Bác sĩ đa khoa với tổ hợp xét tuyển khối B.
ĐH Kinh tế quốc dân có 27.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, cao gấp 5,6 lần chỉ tiêu (4.800). Một đại diện của trường cho biết, điểm chuẩn có thể tăng 2,5 so với năm 2016. Việc tăng điểm diễn ra ở tất cả ngành, trong đó ngành hot có thể cao hơn 1 điểm là 26,5; các ngành top giữa tăng 1-1,5 điểm.
Sau đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, nhiều thí sinh rút khỏi ngành hot của ĐH Bách khoa Hà Nội vì không đạt mức sàn 24 điểm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển vào các ngành top đầu của trường này gồm: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử viễn thông... vẫn tăng lên. Năm 2016, điểm chuẩn vào các ngành này là 24-27. Các ngành thấp hơn của ĐH Bách khoa Hà Nội, gồm cả ngành đào tạo quốc tế, cũng dự kiến tăng điểm chuẩn vào trường.
Theo quy định, chậm nhất 17h ngày 1/8, các trường phải công bố kết quả xét tuyển đợt một. Bộ GD&ĐT dự tính, trong đợt xét tuyển đầu tiên có khoảng 85 trường tuyển được chỉ tiêu 100%; 66 trường đạt 80- 99% và 83 trường đạt 40-79%. Các ĐH còn tuyển thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét đợt bổ sung.