Tuyển sinh đại học 2022: Không nên chọn nghề kiểu “đặt cược” với tương lai

(PLVN) -  Theo các chuyên gia tuyển sinh, phương thức xét tuyển năm nay của các trường rất đa dạng. Các thí sinh nếu không có “chiến lược, chiến thuật” lựa chọn tốt có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc.
Hơn 50% sinh viên không biết học xong sẽ làm việc gì. Ảnh minh họa

Tham khảo 5 nguyên tắc chọn nghề

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022 mỗi trường đại học có những lựa chọn phương thức tuyển sinh khác nhau (20 phương thức xét tuyển cùng với nhiều phương thức kết hợp). Học ngành gì vừa không thất nghiệp, vừa phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân luôn là câu hỏi cho những ai đang đứng trước cánh cửa đại học. Chưa kể, mỗi cơ sở đào tạo năm nay có ít nhất 5 phương thức xét tuyển trở lên, khiến các thí sinh khó khăn hơn trong việc nắm bắt thông tin chọn trường, chọn ngành, chọn phương thức xét tuyển.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, có 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau…

Tương tự, khảo sát của ngành giáo dục TP Cần Thơ với hơn 12.000 học sinh thành phố trong năm học 2020-2021 ghi nhận kết quả với hơn 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân…

Tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 cho thấy có 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được 1 nghề để theo đuổi; 5% học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.

Theo đó, nhóm của PGS Trần Thành Nam khảo sát trực tuyến 459 cựu học sinh đang du học ở Mỹ. Kết quả, 18,64% chưa xác định được chuyên ngành theo học; 22,03% lựa chọn đúng sở trường; 44,07% chọn ngành kinh tế.

Thực tế cho thấy, cha mẹ có 8 sai lầm khi định hướng nghề nghiệp cho con như: thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.

PGS Trần Thành Nam cho rằng, thí sinh nên tuân thủ 5 nguyên tắc chọn nghề như: chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức…); không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu; chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Hiện nay, thị trường lao động đang cần lao động trình độ cao đẳng khoảng trên 18%; lao động trình độ từ đại học trở lên là 15,42%; lao động qua đào tạo là 25,36%; lao động có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề là 10,31%. Riêng đối với lao động có trình độ trung cấp, thị trường lao động đang cần số lượng lớn nhất là 30,52%. Trong khi đó, trình độ của người đi tìm việc dường như đang có độ vênh nhất định như: lao động có trình độ đại học trở lên đi tìm việc chiếm tới trên 66%; trình độ trung cấp chỉ chiếm trên 6%; trình độ cao đẳng là trên 16%.

Tỉnh táo khi chọn ngành “hot”

Chia sẻ kỹ năng hướng nghiệp cho học sinh, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP HCM cho rằng, cần xác định được các nhóm ngành nghề “hot” nhưng “hot” với ai? Có phù hợp với năng lực sở trường của thí sinh hay không? Hiện nay nhiều thí sinh chăm chú vào tiêu chí của thị trường lao động nhưng quên mất năng lực, sở trường của mình. Nếu không xác định được sở trường, năng lực, các em dễ trở thành là một trong 6 trường hợp thôi học. TS Trần Đình Lý lưu ý việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên phải phù hợp với năng lực, sở thích của thí sinh.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT cho hay, cơ cấu sinh viên đầu vào - đầu ra đã có sự biến động khi khảo sát số liệu trong giai đoạn 2018 - 2020. Đơn cử, ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, năm 2018 tuyển trên 27.000 sinh viên nhưng năm 2020 chỉ còn 21.000 sinh viên; nhóm ngành Sức khỏe năm 2018 là 11.000 sinh viên, năm 2020 đã tăng lên 23.000 sinh viên. Tình hình việc làm sau một năm tốt nghiệp của sinh viên cũng có những biến động.

Theo ông Linh, nếu chia tỷ lệ này thành 4 mức thì chỉ có 3 ngành đạt được ở mức cao là Dịch vụ vận tải (89%); Nghệ thuật (85,4%) và Thú y (85,2%). Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin lại ở mức trung bình khi chỉ có 73,6% sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm có việc làm. Mức thấp có các ngành như: Môi trường, Pháp luật, Khoa học xã hội và Hành vi, Dịch vụ xã hội, Kinh doanh và Quản lý.

PGS Trần Thành Nam cũng chỉ ra, 6 sai lầm của học sinh khi chọn ngành gồm: dựa vào duy nhất năng lực học tập; chọn nghề theo trào lưu; chọn nghề vì lý do kinh tế; chọn nghề được xã hội trọng vọng; dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học.

Công nghệ thông tin, Logistics, Kinh tế là ba trong số những ngành đang thu hút sự quan tâm của thí sinh và có điểm chuẩn hằng năm thuộc top cao nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc các điều kiện cần và đủ khi đăng ký ngành học, không nên chỉ nhìn vào “sức nóng” của ngành để đặt cược tương lai, khi thí sinh không thực sự hiểu và đam mê.

Đọc thêm