Hôm qua (8/6), hơn 75 ngàn thí sinh đã hoàn thành kì thi với 2 môn Văn và Toán vào lớp 10 khối không chuyên của Hà Nội trong tiết trời khá mát mẻ. Với 53.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập, sẽ chỉ có khoảng 70% số thí sinh dự thi được lựa chọn.
Thí sinh, phụ huynh đều “căng”
Mặc dù số học sinh thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay giảm khoảng hơn 4.000 em so với năm học trước, nhưng kỳ thi này vẫn được đánh giá là khá căng thẳng do tỷ lệ vào trường công lập ít đi. Trong hơn 81.000 học sinh thủ đô tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, khoảng 67.500 em sẽ vào hệ THPT (trường công lập tuyển 53.000 học sinh, trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh). Số lượng dự kiến vào các Trung tâm giáo dục thường xuyên hơn 8.100; vào trường trung cấp chuyên nghiệp khoảng 5.800.
Tại một số trường, tỷ lệ chọi vẫn ở mức cao nếu tính vào số nguyện vọng dự tuyển và chỉ tiêu trường được phân bổ. Các trường có số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất là THPT Trung Văn với 1.180 em trong khi chỉ tiêu là 400. Tiếp đến là THPT Yên Hòa với 1.245/480 và xếp thứ ba là THPT Trương Định với 1.394/600. Trường có số học sinh đăng ký nguyện vọng 2 nhiều nhất là THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) với hơn 3.300. Tiếp đến là THPT Thạch Bàn (Long Biên) có 2.175 và THPT Bắc Lương Sơn (Thạch Thất) với 2.161 nguyện vọng.
Kết thúc môn thi Văn và Toán, nhiều thí sinh dự thi vào lớp 10 của Hà Nội đánh giá đề thi không khó. Tuy nhiên, với đề Văn các em khá lúng túng với câu hỏi 4 điểm của đề thi vì rơi vào phần văn bản vận dụng chứ không phải nội dung tác phẩm văn học chính của chương trình học.
Đó là câu hỏi đầu tiên của đề thi, chiếm 4 điểm, hỏi về bài “Phong cách Hồ Chí Minh”. Thí sinh Diệu Hiền, trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết, đọc đề thi em hơi ngạc nhiên khi ngay câu hỏi đầu tiên của đề lại rơi vào phần phụ trong chương trình học. Ban đầu em hơi lúng túng, nhưng sau đó bình tĩnh lại, em vẫn làm được bài vì tuy không học sâu bài này nhưng nội dung lại là những kiến thức cơ bản, Hiền chia sẻ. Theo đánh giá của Hiền, đề thi năm nay nhìn chung không khó, kiến thức cơ bản, đa số đã nằm trong chương trình ôn tập ở trường. Các bạn trong phòng em đều làm khá tốt.
Câu hỏi nghị luận năm nay cũng không quá mới mẻ nhưng theo các thí sinh là khá thú vị. “Em hãy trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.”.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang – giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi (Hà Nội) đánh giá, đề thi năm nay gây bất ngờ đối với phần lớn học sinh. Bài thi “Bếp lửa” đã nhiều năm không thi, nằm trong chương trình tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên đây là một đề thi hay, cập nhật vấn đề của xã hội đang quan tâm: việc giữ gìn truyền thống dân tộc của thế hệ trẻ. Với đề thi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức và hiểu biết xã hội để đưa ra lập luận và dẫn chứng thuyết phục.
Nhiều học sinh cho rằng đề thi “lệch tủ”, song các em có thể vận dụng kiến thức thực tế để làm bài. Với đề thi Toán, theo thầy Cấn Văn Đại - Phó Hiệu trưởng THPT Thăng Long thì các em chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm 7,8 và chỉ có câu hỏi cuối nâng cao để phân loại thí sinh thì thường các em giỏi mới làm được. Đa số các em bị mắc ở câu hỏi nâng cao mà thôi.
Em Hồng Anh cho biết, lực học chỉ trung bình nhưng lại đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) vào Trường THPT Việt Đức và NV2 là Trường THPT Hai Bà Trưng. Cả hai nguyện vọng đều ở trường có điểm chuẩn thuộc tốp cao, tỉ lệ chọi khá lớn nên em cảm thấy vô cùng áp lực. Riêng THPT Việt Đức năm nay có tỉ lệ chọi khá cao, khi trường này chỉ lấy 600 em vào lớp 10 nhưng cả NV1 và NV2 có tới 1.079 em đăng ký. Đứng chờ con thi vào trường THPT Yên Hòa, chị Phạm Mai cho biết, con chị có NV1 vào Yên Hòa, NV2 vào Trần Hưng Đạo, con tự học, tự đăng ký thi. Nếu đỗ thì học, không đỗ chị cho con đi học nghề. Nhiều phụ huynh khác đều khá áp lực và căng thẳng.
Điểm chuẩn có thể cao hơn?
Theo mức điểm chuẩn trong khoảng ba năm trở lại đây, để chắc chắn được tuyển vào các trường có mức điểm chuẩn từ 52-55 điểm, thí sinh phải đạt điểm 8 trở lên đối với hai môn thi Ngữ văn và Toán, đồng thời điểm học tập, rèn luyện phải đảm bảo mức tối đa là 20 điểm, chưa kể điểm ưu tiên, điểm cộng học nghề.
Theo đại diện Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội thì nếu thí sinh học chắc kiến thức, kĩ năng cơ bản, trình bày sáng sủa, mạch lạc, dễ hiểu đã có thể đạt điểm 8. Cụ thể, ở môn Ngữ văn là nắm vững nội dung các tác giả, tác phẩm văn học, chủ yếu ở chương trình lớp 9, cách thức trình bày văn bản, kiến thức ngữ pháp… Ở cả môn Ngữ văn và Toán, các câu hỏi mang tính phân hóa cao chỉ chiếm tỷ lệ điểm rất ít so với tổng điểm (khoảng 1-1,5 điểm).
Với cách ra đề được giữ ổn định như năm trước, nhiều người cho rằng, khả năng điểm chuẩn vào những trường tốp đầu năm nay sẽ cao hơn năm 2015. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, năm học mới, trường THPT Việt Đức không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, số lớp 10 dự kiến của trường vẫn ở con số 15 lớp với 600 học sinh. Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 52,5 điểm, cao hơn năm trước nữa 1,5 điểm. Mức điểm chuẩn năm nay vẫn có thể dao động theo chiều hướng đi lên.
Bà Nguyễn Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng cho biết, chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 của trường này là 480, bằng số lượng năm ngoái. Trong đó, số lượng thí sinh đăng ký vào hơn 1.000, tỷ lệ chọi khoảng 2 lấy 1. Trường này năm ngoái có mức điểm chuẩn là 52 điểm nên năm nay chỉ có hơn 30 trường hợp thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường này.
Hôm nay (9-10/6), học sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên thi thêm các môn chuyên và môn Ngoại ngữ trong 2 ngày (ngày 9-6, buổi sáng thi môn Ngoại ngữ không chuyên; buổi chiều và sáng 10-6 thi các môn chuyên theo lịch). Trước đó, Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi vào trường chuyên của khối đại học.