Có 2 nguyện vọng vào trường công
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay có hơn 81.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có hơn 60% học sinh có cơ hội vào các trường công lập. Vậy nên các trường và các thí sinh đang nỗ lực “chạy nước rút” cho cuộc đua vào trường công lập.
Tại một số trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 vẫn giữ ổn định như các năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh đăng ký cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào trường đều tăng cao và cuộc đua trở nên gay gắt hơn.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, năm học này, Trường THPT Việt Đức không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, số lớp 10 dự kiến của trường vẫn ở con số 15 lớp, mỗi lớp khoảng 40 học sinh, tức là khoảng 600 em. Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 51,5 điểm.
Năm nay, số lượng thí sinh dự thi đông hơn nên điểm chuẩn vào trường được dự đoán có thể sẽ nhỉnh hơn một chút. Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cũng cho rằng, chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 của trường là 480 và chỉ tiêu này bằng với năm ngoái. Trong đó, số lượng thí sinh đăng ký vào khoảng 1.100, tức là tỷ lệ khoảng “2 chọi 1”.
Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, một điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017 là năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định công bố điểm thi, điểm chuẩn ở các trường THPT chuyên trên địa bàn TP Hà Nội cùng một ngày. Sau khi công bố điểm thi, học sinh có thể xem điểm thi và sở thích của mình để quyết định nên học vào trường THPT chuyên nào thì có thể nộp hồ sơ vào trường đó.
Cũng theo ông Ngô Văn Chất, năm học 2016-2017, mỗi học sinh đều được quyền đăng ký thi vào hai trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Ngoài hai trường công lập này, học sinh nào được xếp loại học lực từ khá trở lên còn được đăng ký nguyện vọng vào 2 trong số 4 trường chuyên ở Hà Nội gồm: Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Chu Văn An, THPT Chuyên Sơn Tây và THPT Chuyên Nguyễn Huệ.
Phân biệt rõ thí sinh qua hộ khẩu
Thực tế, năm trước, vì không xác định đúng lực học của mình nên nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt. Chính vì thế, để chắc chắn và yên tâm, dù quy định rất rõ nhưng nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn khi nghĩ trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập là như nhau, nên đăng ký cho con thi ở trường công lập tự chủ tài chính có lấy điểm tuyển sinh thấp cho chắc suất vào công lập. Cũng có phụ huynh lo ngại đã đăng ký vào trường ngoài công lập thì không được phép đăng ký vào trường công lập nữa.
Thậm chí, có phụ huynh e ngại con không tự tin đỗ được vào trường công lập mình mong muốn nên chọn cách cho con thi vào một số trường công lập tự chủ tài chính hoặc trường ngoài công lập có chất lượng và điểm đầu vào không quá cao để rồi sau đó khi đã nhập học một thời gian thì tìm cách chuyển cho con về học lại trường công lập…
Đồng thời, cũng có một số phụ huynh cho rằng, con thi vào trường chuyên, nhưng chẳng may trượt trường chuyên thì rất khó vào trường khác, vì các trường công lập không chuyên đã hầu hết tuyển đủ học sinh có nguyện vọng 1. Nhưng theo ông Ngô Văn Chất, kết quả của 2 kỳ thi tuyển sinh THPT chuyên và không chuyên là độc lập nhau. Vì vậy, học sinh có thể quyết định học hệ chuyên hoặc không chuyên (nếu trúng tuyển) đều được.
Và theo ông Ngô Văn Chất, nếu thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường công lập khác nhau. Nếu không có hộ khẩu Hà Nội, thí sinh chỉ được phép theo học tại các trường công lập tự chủ tài chính hoặc trường ngoài công lập.
Như vậy, ở đây có 2 đối tượng cần phân biệt là: thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và thí sinh không có hộ khẩu Hà Nội. Như vậy, đối với thí sinh có đủ điều kiện dự tuyển vào các trường THPT công lập thì ngoài nguyện vọng vào 2 trường THPT công lập, thí sinh được nộp đơn dự tuyển vào một trong số các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập trên toàn thành phố.
Với thí sinh không có hộ khẩu thì điểm xét tuyển của mình chỉ có giá trị xét tuyển vào trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập, chứ không được xét vào trường THPT công lập. Thêm nữa, một quy định mà phụ huynh, học sinh cần nắm rõ là học sinh đã nhập học vào trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập không được chuyển về học tại trường THPT công lập.
Tỷ lệ “chọi” vào các trường
Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình là 480 chỉ tiêu/2.387 lượt học sinh đăng ký; THPT Cầu Giấy 480 chỉ tiêu/2.100 lượt học sinh đăng ký; THPT Đống Đa 560 chỉ tiêu/2.130 lượt học sinh đăng ký; THPT Nguyễn Văn Cừ 460 chỉ tiêu/2.700 lượt thí sinh đăng ký; THPT Trần Nhân Tông 520 chỉ tiêu/2.630 lượt học sinh đăng ký; THPT Minh Khai 560 chỉ tiêu/2.000 lượt học sinh đăng ký; Trần Hưng Đạo-Thanh Xuân 480/4.000 lượt thí sinh đăng ký; THPT Phan Đình Phùng 600 chỉ tiêu/1.279 lượt thí sinh đăng ký, THPT Chu Văn An 240 chỉ tiêu/670 lượt thí sinh đăng ký, THPT Việt Đức 600 chỉ tiêu/1.100 lượt thí sinh đăng ký, THPT Nguyễn Thị Minh Khai 480 chỉ tiêu/1.100 lượt thí sinh đăng ký...