Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 20/4 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.182 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước là 23.125 VND/USD ở chiều mua vào và 23.827 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h30 sáng nay, cụ thể:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.960 đồng/USD (mua vào) - 23.170 đồng/USD (bán ra), tăng 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.975 đồng/USD (mua vào) – 23.175 đồng/USD (bán ra), giảm 3 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.975 đồng/USD (mua vào) - 23.175 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới giảm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 91,2 điểm, giảm 0,04%. Hiện 1 Euro đổi 1,203 USD; 1 bảng Anh đổi 1,394 USD; 1 USD đổi 108,04 yên.
USD trên thị trường quốc tế tiếp tục xu hướng đi xuống do dòng tiền vẫn tìm đến các kênh đầu tư khác. Theo Reuters, tỷ giá USD chạm mức đáy 6 tuần khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng trở lại đây trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên quan điểm rằng sự gia tăng lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời.
Cụ thể, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức thấp so với các đồng tiền nhóm G10 gồm đồng yen Nhật, france Thụy Sĩ, đô la Australia, đô la New Zealand và đồng euro. Đồng bạc xanh cũng bị kìm hãm do tâm lý rủi ro được cải thiện khi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục.
Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện giảm xuống mức 1,5280% từ mức 1,7760% vào cuối tháng trước. Valentin Marinov, Giám đốc bộ phận nghiên cứu G10 FX tại Tín dụng Agricole, nhận định động thái này gần như hoàn toàn trái ngược với những xu hướng đã thấy vào tháng 3.
Các nhà phân tích tại ING cho biết: “Một trong những rủi ro lớn nhất trong năm 2021 đang diễn ra trên thị trường là biến động của lợi suất trái phiếu Mỹ. Do đó, thật đáng ngạc nhiên khi thấy sự sụt giảm lớn trong lợi suất của Mỹ, mặc dù chỉ số CPI và doanh số bán lẻ của Mỹ đều cao hơn kỳ vọng.”
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thứ Năm (22/4) trong bối cảnh các quốc gia liên minh đang đới mặt với chia rẽ nội bộ về vấn đề mua trái phiếu, thời hạn phong tỏa do Covid-19 và sự trì hoãn đối với quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu (EU).