Tỷ giá ngoại tệ hôm nay, 21/5: Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 6 đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Sáng nay (21/5), tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD tiếp tục tăng lên mức 23.160 VND/USD.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng nay - 21/5 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.160 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước là 23.125 VND/USD ở chiều mua vào và 23.799 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h sáng nay, cụ thể:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.920 đồng/USD (mua vào) - 23.150 đồng/USD (bán ra), tăng 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.947 đồng/USD (mua vào) – 23.147 đồng/USD (bán ra), tăng 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.950 đồng/USD (mua vào) - 23.150 đồng/USD (bán ra), tăng 1 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới giảm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 89,76 điểm, giảm 0,05%. Hiện 1 Euro đổi 1,223 USD; 1 bảng Anh đổi 1,418 USD; 1 USD đổi 108,83 yên.

Đồng bạc xanh giảm nhẹ chủ yếu do sức ép lạm phát khiến một số quan chức của Fed đã đề cập tới vấn đề điều chỉnh chính sách, trước hết là kế hoạch mua tài sản.

Cụ thể, trong biên bản vừa được công bố, vấn đề điều chỉnh chính sách tiền tệ đã được nhắc tới trong bối cảnh giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng mạnh trong tháng vừa qua.

Trong biên bản cho cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) công bố hôm thứ Tư, một số nhà hoạch định chính sách gợi ý rằng nên bắt đầu thu hẹp việc mua tài sản “vào một thời điểm nào đó” nếu Mỹ tiếp tục phục hồi kinh tế.

Lạm phát đang là vấn đề đáng lo ngại. Lạm phát toàn cầu có thể gia tăng mạnh mẽ khi người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu. Chính phủ các nước cũng thúc đẩy việc đầu tư công để vực dậy nền kinh tế.

Trong khi đó, đồng bảng Anh và euro chịu áp lực giảm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo về sự bất ổn tài chính trong khu vực. Tình trạng thâm hụt ngân sách lớn có thể xảy ra ở một số quốc gia trong khu vực.