Ngân hàng liên tục công bố hạ lãi suất cho vay để “đồng hành” cùng doanh nghiệp, nhưng vì uẩn khúc nào mà người đi vay lại vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng?.
Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, lợi nhuận thấp. Ảnh: Trần Thế |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa chính thức thông báo gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực xuất nhập khẩu trị giá lên đến 10.000 tỷ đồng, mức lãi vay hạ xuống chỉ còn 12%/năm. Khách hàng vay vốn bằng VNĐ để sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng hóa nông sản… được vay trong thời gian 6 tháng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp (DN) vay ưu đãi với lãi suất 13-14%/năm và kế hoạch đang được gấp rút triển khai.
Nhà băng nước ngoài - Ngân hàng ANZ Việt Nam - cũng cho khách hàng vay mua nhà, sửa nhà, vay thuế chấp tiêu dùng với lãi suất thấp. Cụ thể lãi suất chỉ còn 13, 65%/năm (đối với kỳ thay đổi lãi suất 1 tháng); 14.05%/năm (đối với kỳ thay đổi lãi suất 3 tháng) và 14.52% (đối với kỳ thay đổi lãi suất 6 tháng). Chương trình áp dụng từ ngày 4/6 cho các hồ sơ vay từ ngày 15/2 đến ngày 10/6 và điều kiện giải ngân lần đầu 500 triệu đồng, thời hạn đến hết ngày 31/7.
Nhiều ngân hàng thương mại không chỉ hạ lãi suất để tìm kiếm khách hàng mà còn khuyến mại lớn, như thưởng ngay vàng, kim cương, đi du lịch, bốc thăm trúng thưởng xe hơi đắt tiền. Tuy nhiên lượng khách hàng đến ngân hàng giao dịch vẫn tỷ lệ nghịch với các chương trình khuyến mại kiểu “dội bom” và trào lưu hạ lãi xuất của ngân hàng.
Ông Trần Hạ Linh, giám đốc Công ty sản xuất Thương mại Huy Đồng, quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, cách đây chừng 3 năm, mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng như hiện nay đúng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng hiện nay, lãi suất thấp vậy chứ thấp nữa cũng không thể vay, “đơn giản, DN đã cơ bản thanh lý xong nhà xưởng để trả nợ vay lãi ngân hàng trước đó”.
Bà Hàng Chúc Lan, giám đốc Công ty tư nhân Xuân Linh, quận Tân Phú chia sẻ, lợi nhuận sản xuất đồ gia dụng chỉ có khoảng trên dưới 10%, lãi suất ngân hàng 12-14 % thì đi vay chỉ gánh thêm nợ.
Ngân hàng đang thừa tiền nhưng DN cần vốn để sản xuất thì lại không vay được, đó là thực tế cay đắng hiện nay. Nghịch lý này như một con hào, ngày càng sâu và rộng ra mà suy cho cùng, bất lợi đều dành cho cả hai phía.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, từ khi Thông tư 14 quy định trần lãi suất cho vay 14%/năm có hiệu lực (ngày 4/5) đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM mới giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng, so với dư nợ tín dụng của TP.HCM chỉ chiếm khoảng 1%, bao gồm hai khoản trả nợ cũ và vay mới. Theo ông Thắng, nhu cầu cần vốn của DN là rất lớn nhưng hầu hết DN đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại ngân hàng và chưa có phương án kinh doanh hiệu quả.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, các DN tại TP.HCM đang trong tình trạng suy kiệt do thiếu vốn, mặc dù lãi suất hiện đã giảm và ngân hàng có nhiều động thái hỗ trợ người vay nhưng vẫn không vay được. Để khai thông nguồn vốn, ông Quân vừa chỉ đạo khối ngân hàng và hiệp hội DN trên địa bàn TP.HCM thống kê có bao nhiêu DN đang khát vốn, khó khăn gì khi tiếp cận vốn, dùng vốn vay làm việc gì để có hiệu quả …và gấp rút báo cáo với chính quyền thành phố để xử lý kịp thời.
Một khi sức khỏe của DN không tốt, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, tiếp sức cho DN lúc này cũng là cách cứu ngân hàng trước những khối nợ xấu khổng lồ chưa được giải tỏa. Phương án giải cứu thích hợp nhất, theo đề xuất của một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại TP.HCM, là cần thành lập những công ty mua bán nợ xấu (trị giá khoảng 100.000 tỷ đồng), công ty này có chức năng mua bán nợ, tài sản bảo đảm nợ, nhằm tẩy sạch nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của ngân hàng, trong khi đó DN lại có điều kiện để vay vốn mới nhờ lý lịch sạch nợ.
Mị Na