'Ứng cử viên' nặng ký cho các dự án xử lý nước thải tại TP HCM

(PLO) - Việc áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ khiến diện tích đất để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát chiếm rất ít mà nước sau xử lý còn được tái sử dụng trong sinh hoạt. Đặc biệt, hệ thống pin mặt trời đã đáp ứng cơ bản nguồn điện sử dụng cho nhà máy này.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình Nhà máy
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình Nhà máy

Bởi vậy, phát biểu tại buổi thăm và làm việc với cán bộ, nhân viên nhà máy này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây là điểm sáng trong đầu tư và chủ đầu tư là ứng cử viên nặng ký cho các dự án xử lý nước thải mà thành phố sẽ xây dựng tới đây.

Tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm điện năng, giảm khí thải

Với tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (quận 12, TP HCM) đi vào hoạt động sẽ xử lý nước thải trên địa bàn lưu vực Tham Lương - Bến Cát gồm quận Gò Vấp, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh, với 700.000 dân được hưởng lợi.

Trong giai đoạn 1, nhà máy có công suất 131.000m3/ngày nhưng chỉ sử dụng khoảng hơn 2ha. Nếu so với những nhà máy hiện có của TP HCM (sử dụng công nghệ cũ) thì nhà máy này tiết kiệm được quỹ đất rất lớn; điều này rất đáng quý bởi bối cảnh quỹ đất dành cho các dự án hạ tầng, cải thiện môi trường của thành phố ngày càng eo hẹp. Việc tiết kiệm được diện tích đất nêu trên là nhà máy nhờ sử dụng công nghệ xử lý sinh học SBR cải tiến. Đây là công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ được phát triển nhằm tăng cường xử lý nitơ, phốt pho bên cạnh xử lý các chất hữu cơ có trong nước thải.

“So với các công nghệ khác thì công nghệ SBR có diện tích chiếm đất rất nhỏ, chỉ khoảng 110m2 cho công suất 1.000m3/ngày, nhỏ hơn từ 4 đến 20 lần so với các công nghệ thông thường khác đang áp dụng tại Việt Nam vốn có suất sử dụng đất từ 450-2.000m2 cho công suất 1.000m3/ngày”, Tổng Giám đốc Cty Phú Điền Lê Thanh cho biết.

Dẫn chứng là với công suất 141.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng cần đến 14ha; còn Nhà máy Bình Hưng Hòa có công suất 46.000m3/ngày phải sử dụng gần 35ha đất. Theo quy hoạch, Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa – Lò Gốm với công suất 300.000m3/ngày cần đến 77ha đất nên phải đặt cách xa trạm bơm nước thải đã xây khoảng 14km mới đủ đất xây dựng. Đại diện Cty Phú Điền cho rằng, nếu áp dụng công nghệ SBR thì Nhà máy xử lý nước thải Tân Hoá - Lò Gốm chỉ cần khoảng 3ha và có thể bố trí gần trạm bơm nước thải đã xây dựng. Theo Cty này, để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, khó khăn nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng. Với kinh nghiệm đã có, Công ty Phú Điền đề xuất nếu được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tân Hoá - Lò Gốm thì diện tích đất sử dụng sẽ rất ít.

Một sự đột phá khác của Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát là nước thải sau khi xử lý sẽ đạt chất lượng loại A, trong khi các nhà máy trước đây chỉ cho ra nước loại B. Nước thải loại A sau khi xử lý bằng công nghệ sinh học và lọc nano kết hợp sẽ đạt được chất lượng tương đương nước sinh hoạt để tái sử dụng và có thể dùng trong sinh hoạt.

Đây cũng là dự án xử lý nước thải đầu tiên tại TP HCM sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời để cung cấp cho nhà máy hoạt động (công suất từ 1,2 MW). Pin năng lượng mặt trời cũng giúp tiết kiệm điện năng, giảm phát khí thải CO2, vừa giảm khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường. Do đó, nhà máy có thể đặt gần khu dân cư, đồng thời giảm diện tích xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận hành. Theo tính toán, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát giảm được khoảng 2.000 tấn CO2/năm, tương đương khả năng hấp thụ CO2 của khoảng 50ha cây xanh.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời của nhà máy góp phần giảm khoảng 2.000 tấn CO2/năm
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của nhà máy góp phần giảm khoảng 2.000 tấn CO2/năm

Chính quyền thành phố đánh giá cao chủ đầu tư

Tại buổi thăm và làm việc với cán bộ, nhân viên nhà máy mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM  Lê Thanh Liêm cho rằng các sở, ngành thành phố hết sức ấn tượng về nhà máy. Chính quyền thành phố đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư. “Hệ thống xử lý nước thải sử dụng pin năng lượng mặt trời rất hay. Bà con có ý kiến về chất lượng môi trường thì có thể mời vào tham quan. Khuôn viên xanh, có cả nhạc nước, ở đây thậm chí có thể mở được nhà hàng…”, ông Liêm nói.

Trước một số khó khăn của chủ đầu tư, ông Lê Thanh Liêm đề nghị các sở, ngành cùng đơn vị liên quan có báo cáo đề xuất phương án. Đồng thời, nắm lại tình hình kết nối giao thông vào nhà máy, gắn với quy hoạch giao thông chung của quận, thành phố. Đánh giá cao thành tựu của nhà máy, ông Lê Thanh Liêm đề nghị Sở TNMT xem xét mô hình công nghệ này để cùng tham gia với thành phố trong việc xử lý nước thải trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chủ đầu tư báo cáo cụ thể tình hình, những khó khăn gặp phải để thành phố xem xét. Đồng thời, lưu ý lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành quan tâm đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Sở TNMT phải thường xuyên đo đạc, kiểm tra đánh giá chất lượng nước thải… để khẳng định hiệu quả của nhà máy đảm bảo ngay từ đầu. Để tạo thuận lợi cho giao thông ra vào nhà máy, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành lưu ý về đề xuất nâng cấp, mở rộng tuyến đường Vườn Lài. Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cũng cho rằng để người dân yên tâm với chất lượng môi trường của nhà máy thì chủ đầu tư nên tổ chức cho bà con tham quan mỗi tháng một lần. 

Lãnh đạo nhà đầu tư giới thiệu với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về công nghệ hiện đại được áp dụng cho nhà máy
Lãnh đạo nhà đầu tư giới thiệu với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về công nghệ hiện đại được áp dụng cho nhà máy

Theo quy hoạch, TP HCM cần xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải để đảm bảo công suất 3 triệu m3 nước thải mỗi ngày. Với những khó khăn về vốn ngân sách, TP HCM đang rất cần sự chung tay, chia sẻ của xã hội để thực hiện các dự án này. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP HCM đang xây dựng quy trình đấu thầu xử lý rác và nước thải. TP sẽ công bố “đầu bài” từ đây tới năm 2025 sẽ xử lý lượng nước thải bao nhiêu, quy hoạch ở khu vực nào để các nhà đầu tư lựa chọn. Doanh nghiệp tham gia vì lợi ích xã hội và chính lợi ích doanh nghiệp. Hai bên gắn bó nhau vì sự phát triển của thành phố. Trên cơ sở đó, ông Nhân cũng lưu ý các sở, ngành khi triển khai các dự án xử lý  nước thải trong thời gian tới phải tổ chức đấu thầu và xem công nghệ mới đang áp dụng tại Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát là ứng cử viên. 

TPHCM đang triển khai nhiều Nhà máy xử lý nước thải ở khu vực đô thị, nên rất cần những giải pháp công nghệ để tiết kiệm chi phí đầu tư, quỹ đất, chi phí vận hành… Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đánh giá cao việc áp dụng công nghệ mới của Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, giúp tiết kiệm đất, chi phí vận hành và đặc biệt là cho ra chất lượng nước tốt hơn.  “Bản chất lợi thế gắn với áp dụng công nghệ mới. Dự án hiệu quả hơn, rẻ hơn, mang lại tính cạnh tranh cao”, Bí thư Nhân nói.

Đọc thêm