Ứng dụng công nghệ cao để phát triển thương hiệu tôm Bạc Liêu

(PLVN) - Để Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước”, tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu", địa phương đã xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính.

Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được 6 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích trên 3.900 ha: xã Vĩnh Trạch Đông, Phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Toàn tỉnh hiện có 25 tổ chức và 838 hộ dân (tăng 132 hộ so với năm 2022) đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 - 3 giai đoạn. Riêng năm 2023, có 11 Công ty, đơn vị và 794 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 - 3 giai đoạn với diện tích 6.624 ha (tăng 43,78% so với năm 2022), thu hoạch 6.046 ha, năng suất thu hoạch 16,79 tấn/ha, sản lượng 101.491 tấn.

Tỉnh cũng đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và đầu tư giai đoạn 2 (đạt 80% khối lượng dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng giữa năm 2024). Qua đó, đã tuyển chọn 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu (đã giao đất cho 7 doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục).

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tham dự lễ thu hoạch tôm công nghệ cao của Tập đoàn Growmax (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải).

Toàn tỉnh Bạc Liêu có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất thiết kế 294.000 tấn/năm Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt 1,03 tỷ USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 17% cùng kỳ (riêng tôm đông lạnh ước đạt 973,62 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17% cùng kỳ). Đã cấp 15.010 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản với diện tích 28.466,5 ha, tăng 5,76 lần so với năm 2022 (đạt 30,18% tổng số phải đăng ký); thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm được 50.955 tấn. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (tăng 7,24% so cùng kỳ), xếp thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tỉnh Bạc Liêu xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Tỉnh tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, trọng tâm là phát triển các HTX kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp tư nhân. Xác định mô hình nuôi, phương thức nuôi phù hợp (trong đó xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực thủy sản;

Khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ có đủ điều kiện chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống lên mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho các hộ nuôi xây dựng mô hình nuôi phù hợp với diện tích hiện có, tư vấn quy trình nuôi và kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi về lãi suất để hộ nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm, nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi. Xây dựng thành công nhãn hiệu tôm sạch Bạc Liêu để nâng cao giá trị kinh tế con tôm Bạc Liêu.

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, bên cạnh xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn dịch bệnh, công tác giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện hàng năm. Từ năm 2017 đến nay, Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, trong đó hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu (kể cả vùng đệm) tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Năm 2021, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện thêm vùng đệm xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu) nhằm xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới nhằm sớm được công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước (duy trì thực hiện giám sát hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu của Úc khi sang thẩm định công nhận).

“Công ty Cổ Phần Việt Úc - Bạc Liêu đã được Cục Thú y cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Công ty chưa được xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh nên đơn vị chứng nhận chưa sang Việt Nam để đánh giá”, ông Phong chia sẻ.

Đọc thêm