Ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh nhiệm vụ chống hàng giả, xây dựng thương hiệu

(PLVN) - Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp với trình độ sản xuất ngày càng tinh vi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà bản thân người tiêu dùng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những giải pháp hữu hiệu cho cuộc chiến chống hàng giả hiện nay.
Dùng tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Nga

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) vừa phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” 29/11 và “20 năm Ngày thành lập Hiệp hội VATAP”.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh cho biết, theo kiến nghị của Hiệp hội, Chính phủ đã chọn ngày 29/11 hằng năm là ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Sau 20 năm thành lập và hoạt động, Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiệp hội xác định, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trong thời đại công nghệ số. Theo đó, Hiệp hội đã ra mắt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chống giả VatapCheckVN. Phần mềm thể hiện quy trình xác thực chống hàng giả - một giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống giả điện tử.

"Những giải pháp chống giả theo công nghệ số bây giờ rất đảm bảo và bảo mật. Sau nhiều lần nghiên cứu Hiệp hội đã tìm ra nhiều giải pháp như Vatapcheck.vn, bên cạnh mã QR chúng tôi còn có cả một phần mềm chống giả…”, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nga

Là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn Táo Cổ mới đây đã cho ra mắt sản phẩm Cao trà mục nhan mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo bà Lê Thị Hoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn Táo Cổ: “Ngay từ khi nghiên cứu và cho ra mắt dòng sản phẩm Cao trà mục nhan, tôi đã rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu và quyền sáng chế. May mắn cho chúng tôi khi tất cả các sản phẩm của công ty đều có một mã QR kiểm tra nguồn gốc và được dán tem của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam”.

Bà Lê Thị Hoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn Táo Cổ. Ảnh: Ngọc Nga

Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế tất yếu. Thông qua các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng. Song song, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tính từ năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý gần 3.700 vụ hàng giả và vi phạm SHTT trong tổng số trên 139.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ 2,6%; năm 2023, tỷ lệ này chiếm 3,7% và 9 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ lệ 4,1%.

Từ kết quả trên cho thấy, số vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, vi phạm SHTT được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm, thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành.

Người tiêu dùng cũng cần cập nhật thông tin, kiến thức để lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Ngọc Nga

Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật; sự chủ động của doanh nghiệp – chủ thể quyền trong bảo vệ sản phẩm thì còn rất cần ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng trong cập nhật thông tin, kiến thức để lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng.

Đọc thêm