Khi liên hệ theo số điện thoại hotline tại website, một người tự xưng là chuyên gia Ngọc Huyền bên da liễu Dr.Nara tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Người này cho biết đây là bộ dược phẩm trị liệu được nghiên cứu bởi các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Nhật Bản và Viện Da liễu, khẳng định sản phẩm có tác dụng teo cơ, phân huỷ chân nám; cam kết sau liệu trình 3 tháng sẽ khỏi hoàn toàn và không tái lại… Đồng thời, người này còn lấy tên một bác sĩ chuyên về da liễu để “bảo đảm”.
Điều đáng nói, khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm…”.
Ngoài ra, theo Giấy tiếp nhận Đăng ký bản công bố sản phẩm số 5981/2023/ĐKSP của Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Dara thì đây chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN), không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Đối với mỹ phẩm Dr.Nara gồm serum (số tiếp nhận công bố 17463/23/CBMP-HN) và kem bôi da (số tiếp nhận công bố 17464/23/CBMP-HN do Sở Y tế Hà Nội cấp), các sản phẩm này chỉ có công dụng dưỡng và làm đẹp da, hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị nám, tàn nhang như quảng cáo.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho biết, đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Dara, Cục không xác nhận các nội dung quảng cáo: “được nghiên cứu bởi chuyên gia hàng đầu Nhật Bản”; “được sản xuất với công nghệ
Collagen peptide”; “là bộ dược phẩm trị liệu được nghiên cứu bởi các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Nhật Bản và Viện Da liễu Trung ương Hà Nội” cho doanh nghiệp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, sản phẩm mỹ phẩm Dr.Nara hiện vẫn chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Sở cũng cho biết, những nội dung liên quan đến mạo danh, sử dụng tên tuổi, uy tín của bác sĩ để quảng cáo, tư vấn cho khách hàng sẽ được chuyển đến Thanh tra Sở Y tế để rà soát và làm rõ.