Nông nghiệp không thể thiếu khoa học công nghệ
Sáng 24/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest-Whise 2023.
Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (Techfest-Whise 2023) diễn ra từ ngày 23 đến 25/11.
Đến dự triển lãm có ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động TECHFEST 2023, Làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp bền vững - NETZERO”.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự hội thảo có ông Trần Văn Tùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, ông Chu Quang Thái - Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC cùng nhiều chuyên gia đến từ Chương trình về phát triển bao trùm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp BSA, các doanh nghiệp điển hình trong việc định hướng phát triển Dịch chuyển xanh...
Tại Hội thảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - ông Trần Văn Tùng - đã có những chia sẻ tâm huyết về tầm quan trọng của các giải pháp khoa học công nghệ đến nông nghiệp Việt Nam. Theo Nguyên Thứ trưởng, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nhưng thực tế, bà con nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp rất vất vả, một nắng hai sương, cặm cụi lo toan nhưng mãi vẫn là người nghèo, thu nhập thấp nhất trong chuỗi sản xuất.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ tại Hội thảo |
“Muốn sản phẩm nông nghiệp của chúng ta trở nên có giá trị, có thể nâng cao đời sống của những người tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp không có cách nào khác ngoài khoa học và kĩ thuật. Làm sao chúng ta có được giống tốt hơn? Làm sao chúng ta có được giống và những thời vụ thích hợp hơn?... Khoa học công nghệ sẽ giúp cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, sản phẩm bản địa của chúng ta có thể trở thành hàng hóa có giá trị gia tăng và góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Hành trình NetZero của những người tâm huyết
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cùng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến hết sức mới mẻ, hữu ích trong tiến trình hướng tới NetZero.
Đại diện Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Thu Minh – một trong số doanh nghiệp tiên phong trong việc xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường châu Âu có những chia sẻ thực tế về tiềm năng thị trường với các sản phẩm nông sản phát triển theo xu hướng bền vững. Doanh nghiệp này cũng đã trình bày những định hướng trong thời gian tới về việc đồng hành cùng các Địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất bền vững, ứng dụng các công nghệ xanh cho tới khâu chế biến và đóng gói sản phẩm.
|
Bà Lê hoài Thu – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Thu Minh trình bày kinh nghiệm về xuất khẩu nông sản |
Ông Trần Doanh Huynh - Đồng trưởng làng Nông nghiệp Techfest - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp Xanh Bốn Mùa đã có những chia sẻ liên quan đến các giải pháp sinh học hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình Trạm Xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm môi trường biển bằng công nghệ sinh học sử dụng tổ hợp vi sinh vật bản địa.
Thời gian qua, Xanh bốn mùa đã tập trung đồng hành cùng các HTX, Doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vật tư đầu vào thông qua việc tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ sinh học. Điển hình như HTX nông sản hữu cơ MEHA tại Vân Hồ, Sơn La, sau khi áp dụng giải pháp đã giảm tới 60% chi phí đầu vào, tăng 18% sản lượng, giá bán cao hơn 15% so với giá thị trường. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương như Lạng Sơn, Cao Bằng, Nam Định, Xanh Bốn mùa không chỉ hỗ trợ cho các HTX, Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu địa phương từ tài nguyên bản địa, mà còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối chuyên gia công nghệ bảo quản, chế biến. Đặc biệt là xúc tiến thị trường, đầu tư cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững.
|
Ông Trần Doanh Huynh - Đồng trưởng làng Nông nghiệp Techfest - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp Xanh Bốn Mùa chia sẻ các giải pháp sinh học hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình Trạm Xanh |
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã chứng kiến lễ kí kết hợp tác giữa TNHH Tư vấn đầu tư và XTTM Thu Minh và Làng Nông nghiệp Techfest Quốc gia nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Thông qua hội thảo “Ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp bền vững - NetZero”, Ban Tổ chức kỳ vọng các địa phương, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm, gợi mở cho mình được câu trả lời phù hợp cũng như xác định được hướng đi rõ ràng, hiệu quả hơn trên hành trình đổi mới sáng tạo, dịch chuyển xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
NetZero còn được gọi là Carbonneutrality (Trung tính carbon) là trạng thái không phát thải carbon dioxide hoặc có thể được hiểu là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Có thể thấy, giờ đây, nông nghiệp bền vững và hướng đến mục tiêu NetZero đang trở thành một ưu tiên quan trọng trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu và tăng cường sức đề kháng của hệ thống thực phẩm toàn cầu. Sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và nông nghiệp không chỉ giúp cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và nguồn lực tự nhiên.