Ước vọng vươn xa của người trăn trở với nghề trầm hương

(PLO) -Trầm hương được ví là loại hương thơm của trời ban cho thế gian. Tuy nhiên, để trầm tạo được mùi thơm cũng như kiểu dáng bắt mắt, người làm trầm phải khổ công, khó nhọc. Anh Nguyễn Bảo Quốc, người làm trầm tại xứ sở trầm hương Khánh Hòa đang ngày đêm trăn trở với công việc mang “hương trời” đến cho đời. 
Anh Quốc bên trầm hương tượng Phật Di Lặc có giá hàng chục triệu đồng.

Gian nan nghề làm trầm

Theo nhiều tài liệu ghi chép, trầm hương là loại cây thân gỗ chứa dầu thơm đặc biệt, mang lại nhiều hữu ích như chữa bệnh, xua đuổi tà ma, xú uế và mang may mắn đến cho con người. Trầm là loại cây quý hiếm, ngay từ xa xưa, việc tìm trầm đã vất vả vô cùng, bởi thế mà dân gian có câu “ngậm ngải tìm trầm” để nói về sự gian nan băng rừng lội suối để tìm được trầm. 

Cây tạo ra trầm hương có tên gọi khác là cây dó bầu. Để tạo ra trầm, bản thân cây dó bầu phải chịu đau đớn khi thân cây bị hư hại, bị sâu, kiến ăn, sét đánh… Lúc này, để bảo vệ chính mình, cây dó bầu đã tự tiết ra một chất dịch có mùi thơm đặc biệt bao quanh vết thương. Nơi có vết thương được chất dịch bao bọc này là trầm hương. Trầm có tại nhiều tỉnh, tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả là trầm tại tỉnh Khánh Hòa.

Trầm được sử dụng quanh năm, không kể thời tiết, mùa màng. Tuy nhiên, thường vào dịp giáp tết, trầm được người chơi chú ý nhiều hơn. Bởi theo quan niệm, ai sở hữu được trầm từ đầu năm, sẽ mang may mắn đến cho cả năm đó, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, tránh tai ương. Giữa những ngày cuối năm này, tôi may mắn được gặp anh Nguyễn Bảo Quốc.

Anh Quốc sinh năm 1979, tại thôn Tân Dân 2, xã Vạn Ninh, huyện Vạn Thắng, tỉnh Khánh Hòa. Tân Dân 2 được coi là làng trầm hương, một xứ sở “hương trời” đã có tiếng xưa nay. Để tạo đà cho sự phát triển và duy trì nghề trầm hương truyền thống, anh Quốc đã lập ra hợp tác xã trầm hương Tâm Linh, kết nối nhiều người trong làng. 

Bản thân anh Quốc không phải là người đam mê làm trầm từ nhỏ, mặc dù khi mới sinh ra, anh đã nghe nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh về trầm hương, như câu chuyện Bà Cô Thánh Mẫu Thiên Y A Na mà theo truyền thuyết đã hóa thân vào khối trầm trôi trên biển được người dân Khánh Hòa tôn xưng là “Bà chúa trầm hương”. 

Người làm đang mê mải soi, tỉa trầm. 

Làng Tân Dân 2 vốn là một làng chài và làm trầm. Để mưu sinh trên vùng đất “sóng dữ, gió quật” này, gia đình anh đã làm thêm nghề nuôi trồng thủy sản. Anh Quốc học hết lớp 12 thì nghỉ học, xin gia đình đi nước ngoài làm ăn. Tại phương xa, anh gặp những người chơi trầm, làm trầm có tiếng, từ đó, “máu trầm sôi” trong người khiến anh lập tức về quê lập nghiệp với đôi bàn trắng. 

Thêm việc anh lấy vợ là người rất “sành” về trầm, lại sinh ra trong gia đình bao đời tiếp nối nghề tìm trầm, làm trầm nên anh Quốc càng có động lực để phát triển nghề. Trầm là loại “hàng” hiếm từ thời vua chúa, được coi là thứ bảo vật “cung vua tiến chúa”, nên từ bao đời nay, việc “săn” trầm lúc nào cũng diễn ra âm thầm. Nhưng do là loại hiếm, nên không phải ai cũng tìm được, có người “một đi không trở lại”. Trong khi đó, người chơi trầm ngày một tăng lên.

Qua tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu sách vở, cũng như tiếp xúc với nhiều chuyên gia có tiếng, kinh qua nhiều thất bại, anh Quốc đã có trong tay “miếng” cấy trầm gia truyền. Việc lên rừng tìm trầm là không thể, bởi thất bại đã rõ mười mươi, nên anh quyết định liên hệ với nhiều hộ nông dân trồng trầm, trả nhiều tiền để mua cây trầm. 

Người trồng sẽ gieo giống và tự tay chăm sóc cẩn thận đến khi trầm được 6-7 năm, thì anh Quốc sẽ đến “cấy” trầm. Việc làm này hết sức tỉ mẩn, công phu và đòi hỏi tay nghề lão luyện của người cấy. Như đã biết, để có trầm, bản thân cây trầm phải có nhiều vết thương do bên ngoài tác động vào. Khi trầm đã “cứng tuổi”, anh Quốc sẽ tạo ra “đau đớn” cho thân cây bằng cách đục khoét, rồi dẫn kiến, sâu về “mổ xẻ”. 

Qua năm tháng, những vết thương này sẽ tạo trầm, khoảng 2-3 năm sau, cây trầm sẽ được khai thác. Như vậy, phải mất ít nhất 10 năm thì cây trầm mới sinh ra trầm, đó là chưa nói, nhiều cây mặc dù đã được chăm sóc cẩn thận, tạo tiền đề cho việc sinh trầm, nhưng khi khai thác, bản thân cây không có trầm. Cây trở thành cây củi khô, không có tác dụng nhiều. 

Nói như vậy, để thấy rằng, để có một cây sinh trầm không phải là điều dễ dàng, phải tính thời gian cả thập kỷ, công chăm sóc, tiền mua giống rất đắt. Bởi bản thân trầm sinh hạt rất khó, phải cần nhiều thời gian. Hạt giống được mua từ người nhặt trên rừng lại đắt như mua vàng. 

Tạo công ăn việc làm cho nhiều người

Những cây trầm sau khi được đốn hạ, sẽ được đem về nhà chặt ra từng khúc một. Để tìm ra trầm trên mỗi khúc cây, người làm phải dùng dao, búa đẽo bỏ lớp vỏ ngoài cùng hoặc trong lõi. Lần tìm sơ khai này gọi là sổ trầm, cho đến khi phát hiện ra trầm thì thôi. Khi tìm được trầm, người làm chuyển sang công đoạn soi, tỉa nhằm tỉa sạch số rác, răm còn lại nằm trong lõi trầm.

Trầm hương với nhiều kiểu dáng khác nhau.

Những miếng trầm được lấy ra rất nhỏ, gặp may thì được những miếng lớn. Nhưng đa số, trầm là loại hiếm, nên không phải ước nhiều mà có nhiều được, kể cả khi con người đã biết cấy trầm nhân tạo. Anh Quốc cho biết, trầm nhân tạo không thể tốt bằng trầm rừng được, nhưng nó gần đạt đến độ của trầm rừng, bởi dù sao trầm được sinh ra cũng phải nhờ đến sự tiết dịch của thân cây. Trầm rừng cũng đắt hơn nhiều. 

Trầm rừng giờ rất hiếm, nếu trúng loại đặc biệt thì giá phải 10 tỷ/kg, đây là loại kỳ nam, một loại cực hiếm của trầm. Trầm trồng thì vào khoảng 7-8 triệu/kg là cao. Theo tính chất khoa học, trầm là vị thuốc đông y, là một chất định hương, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng mang lại mùi hương cao cấp cho sản phẩm. Tinh dầu hương được chiết từ trầm quý hiếm có giá “ngút ngàn” 500 triệu đồng trên một lít. Việc trồng trầm cũng là việc đánh cược, như chơi đỏ đen, có vườn không cho ra trầm được. 

Nhưng bản thân anh Quốc được sinh ra từ xứ sở trầm hương, lại là người đam mê với nghề nên anh đã chấp nhận với mọi rủi ro từ nghề này. Phải có đam mê, yêu thích quá độ, và “nghiện” mùi trầm thì mới dám giành công sức, bất chấp thời gian, tiền bạc cho việc làm trầm. Không những thế, việc làm trầm còn là cách để tiếp nối nghề truyền thống của ông cha, tổ tiên làng để lại. Đó cũng là cách tạo ra sự khác biệt cho xứ sở trầm hương.

Việc làm trầm của anh Quốc còn mang lại công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Hiện tại, hợp tác xã Tâm Linh có hơn 10 công nhân với đủ mọi lứa tuổi, trai gái, có cả người khuyết tật ngày đêm đẽo, soi, tỉa trầm. Anh Quốc cho biết, tính ra, hàng năm việc thu lời trừ chi phí thì gia đình anh chỉ còn khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, làm trầm đã đem lại thu nhập vào mức đủ sống cho nhiều người lao động phổ thông, đó là điều mà vợ chồng anh cảm thấy hạnh phúc nhất.

Ngoài ra, để có nhiều sản phẩm đa dạng cho người mua, anh Quốc phải đặt riêng các nghệ nhân trầm tạo tác với mức chi phí rất đắt đỏ. Hiện tại, hợp tác xã trầm Tâm Linh có nhiều kiểu dáng trầm phù hợp cho người chơi, như trầm cảnh, trầm trang sức, trầm phong thủy, trầm mỹ nghệ, trầm tâm linh (tượng Phật, tượng Quan Âm), nhang trầm...

Trầm hương với nhiều kiểu dáng khác nhau.

Trầm Tâm Linh đã được bán sang Đài Loan, Trung Quốc, Singapo… Một vật trầm khi được tạo tác có giá từ tiền trăm đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào trầm cũng bán được, có thời điểm ế hàng, gây thua lỗ.  

Đọc thêm