Nhọc nhằn mưu sinh ở đáy đầm Thủy Triều

(PLO) - Đầm Thủy Triều thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là nơi mưu sinh của hàng vạn dân chài từ nhiều năm qua. Vất vả nhưng họ vẫn bám trụ với công việc lặn xuống đáy đầm và đánh bắt hải sản để sống. 
Nhọc nhằn mưu sinh ở đáy đầm Thủy Triều

Cuộc mưu sinh của những người dân vạn chài dưới đáy đầm vô cùng vất vả, không những thế họ còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. 

Là người lặn đầm và có công cải tiến đồ lặn, ông Trần Phổi, Tổ trưởng khu phố Tân Hải tâm sự: “Đánh bắt giờ khó quá, cạn nguồn rồi. Nhiều người ở đây bị tai nạn, phải cưa chân. Nhưng người ta vẫn đi ra đầm vì chưa biết làm gì khác nên hàng nghìn người vẫn sống nhờ vào nó”. 

Theo người dân, khoảng sáu, bảy năm trước, một em bé chỉ cần lội men theo hồ một lúc là có thể kiếm được vài kg ngao, nhưng nay người lớn dầm mình mò mẫm cả ngày cũng chỉ được vài kg. Hay mỗi đêm lặn đầm (từ tám giờ tối đến bốn giờ sáng hôm sau), một người dân cũng kiếm được 200 nghìn đồng, nay khá thì được 100 nghìn, còn bình thường chỉ được 50 nghìn.

Tất cả là tại… cái lờ dây! Theo tìm hiểu, lờ dây (hay còn gọi lưới lồng) là một loại ngư cụ dạng bẫy liên hoàn với nhiều lồng bẫy liên kết thành một tay có chiều dài 10m, có khả năng “quét sạch” trong dòng nước. 

Hiện tại khu phố Tân Hải có 321 hộ dân, với 1570 nhân khẩu, lại tới 70% số người tham gia việc lặn đáy đầm và đến 90% thu nhập từ nghề. Tương tự, các thôn Bãi Giếng (thị trấn Cam Đức), Suối Cam (xã Cam Thành Bắc), Thủy Triều (xã Cam Hải Đông)… cũng có gần 70% số người sống nhờ đầm Thủy Triều bằng các hình thức lặn đáy đầm và đánh lờ dây.

Như vậy, hàng vạn người sống phụ thuộc vào sự sinh sôi nảy nở của nguồn thủy sản trong đầm, song chính việc sử dụng lờ dây, kích điện khiến cho nhiều loài bị chết, giảm năng suất khai thác.

Theo thông tin của Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa, địa bàn huyện Cam Lâm có 180 phương tiện đánh bắt sử dụng lờ dây, ước tính khoảng 174.000m, trong đó có 120 tàu, mỗi tàu sử dụng 200 chiếc; 60 tàu còn lại mỗi tàu sử dụng 100 chiếc. 

Chỉ vào những bọc giá con trai ông vừa thu mua của người dân để chuẩn bị đưa ra Hà Nội, Hải Phòng, ông Trần Phổi tâm sự: “Đấy, chỉ kiếm được những con đơn giản này, thu nhập của bà con giảm nhiều, trong khi mọi thứ tăng. Có nhà vừa làm vừa ăn đong từng bữa”. 

Cách đây mấy năm, những người có trách nhiệm trong khu phố Tân Hải đã vận động người dân… “nói không” với lờ dây! Nhưng kết quả thu được không nhiều.

Từ năm 2008, UBND huyện Cam Lâm cũng có Chỉ thị về tăng cường quản lý việc khai thác, đánh bắt thủy sản, có mục cấm lờ dây, bẫy rập, nghề đáy. Tuy nhiên theo đại diện huyện, vẫn dừng ở mức tuyên truyền là chính, chưa có chế tài xử lý. 

Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nha Trang trải lòng: “Chúng tôi chưa được tỉnh giao cho tuần tra, kiểm soát đánh bắt trên mặt nước. Trước năm 2007 thì thuộc thẩm quyền của chúng tôi, nhưng sau đó thuộc về Thanh tra Sở NN&PTNT. Hai năm một lần, chúng tôi vẫn thả con giống xuống đầm, nhưng ngay cả con giống cũng bị “tóm” ngay lập tức”. 

Cũng “bí” trong khâu xử lý vấn đề trên, ông Lê Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở NN&PTNT cho hay: “Chưa có văn bản pháp luật nào cho phép thanh tra bắt phạt đối tượng dùng lờ dây. Chúng tôi chỉ có thể phối hợp với cảnh sát giao thông biển khép vào tội thả lờ làm ảnh hưởng đến an toàn đường biển thôi. Và có làm thì bà con cũng phản ứng dữ dội. Ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ mà”.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cũng cho biết: Ngành đang nghiên cứu tìm giải pháp việc làm cho bà con và bắt đầu triển khai công tác đào tạo nghề cho ngư dân ở đầm Thủy Triều. 

Đọc thêm